Giá vàng tăng trong phiên ngày 14/9 do được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và báo cáo mới công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ tháng 8 tăng ở tốc độ chậm nhất trong 7 tháng gần nhất.
Chính phủ Mỹ hôm qua công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,3% trong khi đó mức tăng của tháng 7 là 0,5%. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Wall Street Journal trước đó đã dự báo về mức tăng 0,4%.
Việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng ngay lập tức khiến USD giảm và yếu tố này hỗ trợ đẩy giá vàng đi lên, theo giám đốc bộ phận nghiên cứu tại quỹ Insignia Consultants – ông Chintan Karnani.
Số liệu mới công bố cũng làm giảm đi những đồn đoán về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm siết chặt chính sách tiền tệ.
"Mỗi số liệu kinh tế được công bố đều quan trọng bởi nhà đầu tư sẽ sử dụng nó để đánh giá và dự báo về diễn biến của quý tiếp theo, ông Karnani phân tích. Ông Karnani cũng phân tích thêm rằng giá vàng và chỉ số Dollar Index sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi số liệu về doanh số bán lẻ tại Mỹ dự kiến công bố ngày 16/9.
"Nhà đầu tư đang chờ đợi dấu hiệu có thể cho thấy xu thế của kinh tế Mỹ trong quý cuối cùng của năm và để điều chỉnh danh mục đầu tư của họ dựa trên các số liệu kinh tế chuẩn bị được công bố", ông Karnani nhận định.
Ngoài chỉ số CPI, tuần tới, Fed cũng sẽ nhiều khả năng cân nhắc về các số liệu kinh tế khác nữa nhằm quyết định về chương trình mua trái phiếu thời kỳ hậu Covid-19. Các chính sách này từng được đưa ra nhằm cung cấp thanh khoản cho thị trường trong thời kỳ đại dịch căng thẳng nhất vào mùa xuân năm 2020.
Nhiều thành viên của Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) trong đó có Chủ tịch Jerome Powell gần đây đã nói rằng ngân hàng trung ương sẽ thông báo thu hẹp chương trình mua trái phiếu và chứng khoán đảm bảo bằng tài sản quy mô 120 tỷ USD trước thời điểm cuối năm nếu kinh tế tiếp tục hồi phục.
Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 14/9 do chịu ảnh hưởng bởi thông tin lạm phát.
Đóng cửa phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 34.577,5 điểm; chỉ số S&P 500 hạ gần 0,6% xuống 4.443 điểm còn chỉ số Nasdaq hạ khoảng 0,5%, xuống còn 15.037,7 điểm.
Thị trường tăng điểm vào đầu phiên sau khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 được công bố thấp hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, các chỉ số chứng khoán chỉ duy trì tăng điểm được khoảng nửa tiếng, sau đó suy giảm trong suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến sự phục hồi của kinh tế Mỹ giảm điểm. Cổ phiếu Bank of America hạ 2,6%; cổ phiếu General Electric mất 3,9% giá trị.
Cổ phiếu Apple hạ gần 1% sau khi công ty công bố sản phẩm điện thoại mới iPhone 13 tại sự kiện mùa thu hàng năm của hãng, cổ phiếu của hãng như vậy diễn biến đúng theo xu thế thường thấy trong các năm trước đây.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã không ngừng giảm điểm tính từ khi báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 8 được công bố ngày 3/9 gây thất vọng.
Diệu Thanh (Theo MarketWatch, CNBC)