Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ 4 kiến nghị để TPHCM ổn định sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Chiều 15.9, tại hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã nêu 4 kiến nghị quan trọng đề nghị Bộ KHĐT báo cáo, tham mưu lên Thủ tướng Chính phủ.
Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh: Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng hiện nay TPHCM đã và đang quyết liệt tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; sâu sát chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, điều hành đồng bộ.
Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của TPHCM, khiến tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Võ Văn Hoan cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2021 trên địa bàn TPHCM ước tính lần 1 giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 1,39% và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%.
Với dân số 15 triệu dân (kể cả lao động ngoại tỉnh và dân ngụ cư-PV), TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, có mật độ dân số cao nhất cả nước nhưng làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã giáng đòn nặng nề vào toàn bộ hoạt động, kinh tế của thành phố. TPHCM đã và đang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Từ những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu 4 kiến nghị:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế sau đại dịch để đề ra những quyết sách tổng hợp mang tầm quốc gia. Quá trình phục hồi cần nguồn lực rất lớn, từng địa phương sẽ không thể tự làm, bởi ước tính riêng TPHCM cần khoảng 8 tỉ USD và 6-9 tháng để phục hồi kinh tế.
Thứ hai, kiến nghị Bộ KHĐT tham mưu Chính phủ sớm thông qua đề án điều tiết ngân sách cho TPHCM ở mức 23%. TPHCM có nguồn lực để phục hồi nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong y tế, giáo dục… thông qua việc cho phép TPHCM thí điểm việc đấu giá cho đất công đã có quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống dịch.
Thứ tư, ưu tiên bố trí vốn trung ương cho 3 dự án trọng điểm mà TPHCM đã kiến nghị.
Trong các nhóm giải pháp, TPHCM xác định nguyên tắc quan trọng nhất là mở cửa an toàn từng bước tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân TPHCM trên nguyên tắc “đảm bảo an toàn mới cho mở lại và cho mở lại phải đảm bảo an toàn”. Quá trình phục hồi kinh tế theo hướng dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh với thông điệp “sống khỏe trong môi trường có dịch”...
Xem thêm: odl.958359-gnourt-gnat-ort-oh-ed-ihgn-neik-4-tex-mex-ihgn-ed-hnim-ihc-ohpt/et-hnik/nv.gnodoal