Ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Huawei cho biết công ty cần tuyển dụng nhiều người có năng lực hơn từ khắp nơi trên thế giới để giúp công ty phát triển trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ làm tê liệt nhiều hoạt động của công ty.
Gã khổng lồ ngành viễn thông Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng nhiều tài năng quốc tế hơn bằng cách trả lương cao hơn mặt bằng thị trường hiện tại, theo một bài phát biểu nội bộ của ông Nhậm.
Trong cuộc họp nội bộ với nhân viên Huawei vào tháng 8, ông Nhậm cho biết: "Công ty của chúng ta đang ở trong một giai đoạn chiến lược quan trọng để tồn tại và phát triển. Vì vậy, chúng ta phải có đủ nhân tài. Chúng ta phải tuyển dụng những người có năng lực hơn chúng ta", ông nói. "Các gói lương thưởng của chúng ta phải phù hợp hơn với thị trường quốc tế, cao hơn so với tại địa phương. Đây là điều cần thiết để thu hút những nhân tài tốt nhất".
Ông Nhậm Chính Phi cam kết Huawei sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu vào phát triển, đồng thời tăng cường tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài như một phần nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Ông Nhậm cũng chỉ ra rằng "những người cấp tiến" nên được hoan nghênh trong công ty. Ông cho biết thêm công ty đã không thay đổi chính sách lương, thưởng, nâng bậc công việc, phân phối cổ phần công ty trong 2 năm qua, bất chấp hàng loạt biến cố vừa qua.
"Không có sự hỗn loạn nào trong công ty", ông Nhậm nói. "Thay vào đó, công ty giờ đây đoàn kết hơn bao giờ hết, thậm chí còn thu hút được nhiều nhân tài hơn".
Theo báo cáo thường niên năm 2020, Huawei có khoảng 197.000 nhân viên trên toàn cầu.
Tại cuộc họp, ông Nhậm cũng đã trả lời các câu hỏi từ các nhà nghiên cứu làm việc tại nhiều phòng thí nghiệm của công ty, đồng thời thể hiện cam kết của Huawei trong việc đầu tư lâu dài cho nghiên cứu trong bối cảnh công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ lớn do lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời từng là nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách các công ty có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia vào năm 2019. Hãng đã cố gắng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của mình, sau khi các lệnh hạn chế của Mỹ được áp dụng từ năm ngoái, không cho Huawei tiếp cận các công nghệ của Mỹ.
Ông Nhậm đảm bảo rằng Huawei sẽ tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Một số chương trình có thể mất nhiều năm trước khi những nỗ lực này được đền đáp.
"Chúng tôi tạo điều kiện HiSilicon tiếp tục leo lên dãy Himalaya nhưng hầu hết nhân viên Huawei sẽ trồng khoai tây, chăn cừu và gia súc dưới chân núi để cung cấp thức ăn ổn định cho những người đang leo núi", ông Nhậm nói, đề cập đến đơn vị thiết kế vi mạch (IC) tích hợp của Huawei.
HiSilicon chịu trách nhiệm thiết kế các bộ vi xử lý cho điện thoại thông minh và trạm gốc 5G của Huawei. Các biện pháp trừng phạt từ Mỹ đã ngăn HiSilicon hợp tác với hãng gia công chip lớn nhất thế giới là TSMC để sản xuất các thiết kế vi mạch của mình.
Từ cuối năm ngoái, Huawei đã có những động thái đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh khác, đồng thời nỗ lực duy trì hoạt động trong ngành điện thoại thông minh trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất thiết bị cầm tay khác như Xiaomi, Oppo và Vivo.
Những nỗ lực có thể kể đến như mở rộng hoạt động dịch vụ đám mây ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đẩy mạnh cung cấp trạm gốc 5G và thiết bị mạng lõi cho các nhà khai thác viễn thông của Trung Quốc, tăng các thoả thuận cấp phép bằng sáng chế vv…
Tháng 8, Chủ tịch luân phiên của Huawei, Guo Ping thông báo công ty đã có kế hoạch hồi sinh mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết kế chip. "Rồi chúng tôi sẽ lấy lại ngôi vương của mình ở thị trường điện thoại thông minh, đồng thời tiếp tục cải thiện khả năng sản xuất chip", ông nói.
Tham khảo: SCMP
Theo Đức Nam
Doanh nghiệp & Tiếp thị