Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ xét riêng về xuất khẩu, chúng ta thấy rằng, 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỉ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Nếu tiếp tục "đóng băng", sẽ đến lúc gần như tất cả doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn.
"Phép vua thua lệ làng"
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, trong thời gian vừa qua, Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ở một số địa phương, các biện pháp phòng dịch thiếu linh hoạt đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Điển hình là việc địa phương yêu cầu người từ nơi khác đến (kể cả tài xế) phải có xét nghiệm PCR âm tính, trong khi văn bản của Chính phủ và Bộ Y tế đều chỉ nói đến xét nghiệm âm tính, không phân biệt là PCR hay test nhanh.
Theo ông Trần Thanh Hải, trong nhóm thảo luận của doanh nghiệp, có một vấn đề được nhắc đến rất nhiều, đó là ngay trong một tỉnh, thậm chí một huyện thì các xã thực hiện cũng rất khác nhau.
Đặc biệt, các chốt tự quản của thôn, xã, người thực thi chỉ có một mục đích là không cho người qua lại, bất chấp quy định của các cấp trên. Đây là minh họa điển hình của câu nói "phép vua thua lệ làng".
Ông lấy ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất giày ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đã phải dừng hoạt động vì người dân địa phương không cho công nhân ở nơi khác vào làm, dù Ba Vì là "vùng xanh". Vị giám đốc doanh nghiệp này phải than thở, "tự nhiên phân vùng xong thì "vùng xanh" lại còn quản chặt hơn cả Chỉ thị 16".
Nguyên nhân được Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lý giải, do các quy định ban hành ra rất nhiều, thay đổi liên tục, từ thành phố xuống đến huyện, huyện đến xã, xã về thôn. Cán bộ thực thi ở các chốt lại không được phổ biến thấu đáo. Đây là điều rất cần lưu ý khi thiết kế chính sách.
Mở cửa kinh tế trở lại là tất yếu
Hiện nay, khi một số tỉnh thành đang dần kiểm soát được dịch bệnh, cùng với việc triển khai "phủ" vaccine cho người dân đã đưa ra vấn đề cần thiết phải mở cửa kinh tế trở lại, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào thực hiện thống kê, điều tra về mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và nền kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Song, nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, chúng ta thấy rằng, 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỉ đồng xuất khẩu mỗi ngày. Con số trên cho thấy, nếu tiếp tục "đóng băng" sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là hết sức lớn.
Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu nêu quan điểm, trong tương lai gần, chúng ta không thể loại "sạch bóng" COVID-19 được, nên việc thích nghi, sống chung với dịch là quan điểm tất yếu.
Khi mở cửa trở lại, an toàn phòng dịch vẫn phải là điều kiện đặt lên hàng đầu. Điều kiện an toàn là người lao động đã được tiêm vaccine, hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72h. Có thể đề xuất thêm những tiêu chí khác như người lao động thuộc "vùng xanh", những nơi có ít ca lây nhiễm trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, khi mở cửa nền kinh tế trở lại, một trong những thách thức của doanh nghiệp đó là tình trạng thiếu hụt lao động. Do vậy, kịch bản mở cửa là các doanh nghiệp sẽ thực hiện mở cửa dần dần, tùy theo từng loại hình và quy mô doanh nghiệp và cơ cấu lao động mà doanh nghiệp sử dụng. Có doanh nghiệp có thể mở lại 20%, có doanh nghiệp có thể 50%.
"Quy trình lao động cũng sẽ phải khác trước đây. Doanh nghiệp bố trí người lao động làm việc giãn cách càng nhiều càng tốt. Các tổ, đội, nhóm làm việc tách biệt để trong trường hợp có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng xử lý một bộ phận liên quan" - ông Hải nói.
Xem thêm: odl.886359-yagn-iom-it-nihgn-yab-es-uahk-taux-et-hnik-nen-ohc-gnab-og-auhc-uen/et-hnik/nv.gnodoal