Trao học bổng bảo trợ học tập cho các em học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: C.K.
Đầu năm học, các thầy cô giáo ở Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bất ngờ và xót xa với trường hợp một học sinh lớp 8A3 khi em rơi vào cảnh mồ côi đến 2 lần: "Em N.N.A.Q. mồ côi ba mẹ từ khi mới 1 tuổi nên sống với ông bà nội. Đầu tháng 8 vừa rồi, ông nội em mất vì COVID-19. Giờ nhà chỉ còn em Q. và bà nội đã hơn 60 tuổi. Thường ngày bà đi làm giúp việc theo giờ để lấy tiền nuôi cháu. Nhưng từ bữa dịch bùng phát thì bà cũng không thể đi làm" - cô Nguyễn Thị Việt Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A3, chia sẻ.
Cô Hân kể: "Đầu năm học, khi tôi mới nhận lớp, em Q. đã nhắn tin cho tôi: "Cô ơi, cô có thể cho con vào group phụ huynh để con nắm thông tin được không, vì bà nội con không biết dùng Zalo". Tôi gọi điện cho bà của em thì được biết hoàn cảnh của em thật đặc biệt. Giờ hai bà cháu đang sống nhờ trợ cấp của phường và sự giúp đỡ của hàng xóm. Mấy hôm nay, em được người anh họ cho mượn điện thoại để học trực tuyến".
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, anh Phan Thanh Châu, nhà ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân), không giấu được giọng nghẹn ngào: "Vợ tôi mất đã hơn 3 tuần nhưng cả gia đình vẫn giấu hai đứa nhỏ. Mỗi lần các con thắc mắc sao mẹ đi chữa bệnh lâu quá, tôi lại an ủi: "Mai mốt mẹ về" chứ sợ nói sự thật con tôi sẽ sốc".
Vợ chồng anh Châu có hai con trai, một bé học lớp 5/5 Trường tiểu học Bình Tân, một bé học lớp 7/2 Trường THCS Tân Tạo A, quận Bình Tân. Cuộc sống không khấm khá nhưng hạnh phúc tròn đầy khi con cái ngoan ngoãn, anh Châu làm việc tại một công ty bảo vệ, còn vợ anh bán tạp hóa ở gần nhà.
Nghịch cảnh xảy ra khi anh Châu bị nhiễm COVID-19: "Tôi làm bảo vệ cho một kho hàng ở quận Tân Bình theo phương thức "3 tại chỗ". Rồi một ngày, nhóm bảo vệ test định kỳ và phát hiện có hai người dương tính với COVID-19. Thế là kho đóng cửa. Kết quả xét nghiệm của tôi âm tính nên được về nhà. Mấy bữa sau thì cả nhóm F1 trở thành F0, trong đó có tôi. Rồi bà xã và đứa út cũng bị lây nhiễm từ tôi. Bà xã tôi trở nặng, có nhập viện để điều trị mà cũng không qua khỏi".
Anh Châu tâm sự: "Điều tôi lo lắng nhất bây giờ là khi hai con của tôi biết tin mẹ đã mất. Bé lớp 7 chắc không đến nỗi nhưng bé út thì bình thường nó rất quấn mẹ và sống rất tình cảm. Ba cha con tôi hiện ở nhờ nhà bà ngoại của các cháu. Mấy bữa nay, mẹ vợ tôi thường quan tâm, hỏi tôi rằng mới bình phục sau khi nhiễm COVID-19 mà sao ăn ít quá. Cháu nhỏ trả lời thay ba rằng: Mẹ đi lâu quá, ba nhớ mẹ nên ba buồn, ăn không nổi", giọng anh Châu nghẹn ngào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: "Việc đầu tiên là sở và các phòng GD-ĐT lưu ý giáo viên chủ nhiệm có sự hỗ trợ về tinh thần đối với các em học sinh bị mất người thân do COVID-19. Một số trường hợp nếu cần thì nhà trường phải nhờ đến giáo viên tâm lý hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý hỗ trợ, giúp các em lấy lại tinh thần, nguôi ngoai nỗi buồn và bước vào năm học mới. Hiện sở, phòng GD-ĐT, các trường phổ thông và các tổ chức đoàn thể cũng đã và đang có sự hỗ trợ về sách giáo khoa, phương tiện học trực tuyến... cho những học sinh thuộc diện trên".
TTO - Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến nay TP có 1.517 học sinh rơi vào cảnh mồ côi do COVID-19, hơn 10.000 học sinh phổ thông và hơn 3.000 giáo viên đang thuộc diện F0.
Xem thêm: mth.84731413251901202-nal-2-ned-ioc-om-hnac-oav-ior-ohn-me-ax-tox/nv.ertiout