Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa phối hợp với lực lượng Cảnh sát kinh tế và các đơn vị chức năng bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid được ngụy trang là “quà biếu”, nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài.
Các kiện hàng vi phạm này có ghi người nhận là nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và Cao Bằng. Tuy nhiên, điều đặc biệt, nhiều người nhận nhưng lại có cùng số điện thoại.
Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng khi kiểm tra thực tế, Hải quan đã phát hiện và thu giữ hơn 60.000 viên thuốc các loại được dùng trong điều trị Covid-19.
Theo lực lượng Hải quan, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguy cơ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế phòng, chống dịch tăng cao, vì thế cơ quan này đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý những vụ nhập lậu tương tự.
Xung quanh vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) nhìn nhận: “Theo quy định của pháp luật thì việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh phải do tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dược phẩm, có đăng ký nhập khẩu và phải thực hiện khai báo hải quan, nộp thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng nhập khẩu thuốc chữa bệnh nhưng lại nhập khẩu trái phép, không khai báo hải quan thì đây được xác định là hành vi buôn lậu”.
Theo vị chuyên gia pháp lý, hành vi buôn lậu thuốc chữa bệnh không những ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường dược phẩm trong nước. Bởi vậy, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan chức năng sẽ làm rõ người đã có hành vi nhập khẩu số thuốc điều trị Covid-19 này là tổ chức, cá nhân nào, trị giá toàn bộ lô thuốc là bao nhiêu tiền, hành vi vi phạm lần đầu hay đã từng bị xử phạt hành chính để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích: “Trong trường hợp giá trị lô thuốc từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể, trường hợp giá trị lô thuốc từ 100 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, phạm tội 2 lần trở lên... thì hình phạt là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm”.
Bên cạnh đó, Luật sư Cường cũng nhấn mạnh thêm: “Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tội Buôn lậu còn có thể xử lý cả đối với pháp nhân thương mại. Bởi vậy, trường hợp pháp nhân đứng ra nhập khẩu trái phép lô thuốc này thì ngoài các cá nhân có liên quan, pháp nhân thương mại cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 Bộ luật Hình sự”.
Bàn luận về tình trạng nhập lậu thuốc tân dược và thiết bị y tế phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, vị luật sư cho biết: “Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người. Đặc biệt là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, thuốc chữa bệnh và các vật tư y tế có thể khan hiếm nên người dân chấp nhận mua những hàng hóa trôi nổi không rõ nguồn gốc. Các loại hàng hóa như thế này không có gì đảm bảo về chất lượng và hoàn toàn có thể gây ra những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm”.
Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội Buôn lậu:
1.Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
h) Phạm tội 02 lần trở lên;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.