Cơn sốt đất những năm trở lại đây đã kéo theo lượng lớn những nhà đầu tư tay ngang có ít vốn nhàn rỗi, mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực này. Thực tế, đã không ít các nhà đầu tư F0 đã nhanh chóng sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng nhờ xuống tiền vào đúng thời điểm.
Thế nhưng, trong cơn biến động giá đất, tăng, giảm theo chu kỳ ngắn hạn, một số nhà đầu tư vì chờ đợi giá tiếp tục tăng cao nên ra hàng muộn. Hệ quả, tài sản của những nhà đầu tư này đã "bay" tiền tỷ vì giá bất động sản lao dốc.
Nhiều nhà đầu tư thoát hàng chậm rơi vào tình cảnh tài sản "bay" tiền tỷ.
Anh P.N (đến từ Đà Nẵng) chia sẻ, tình trạng nhà đầu tư ham lời cao, ra hàng muộn dẫn tới tình trạng bị lỗ xảy ra rất nhiều. Anh P.N kể: "Tôi có vợ chồng người bạn làm công chức Nhà nước. Trước đó, bạn tôi đã dồn tiền đầu tư đất. Đến năm 2019, bạn tôi nợ hơn 2 tỷ đồng tiền ngân hàng nhưng lại có trong tay 1 căn nhà, 2 lô đất. Tổng tài sản lúc đó ước tính 9,5 tỷ đồng.
Thời điếm đó, tôi có khuyên bạn nên thoát hàng, trả khoản nợ hơn 2 tỷ đồng. Hai vợ chồng công chức mà có trong tay khoản tiền hàng tỷ đồng thực sự là rất an tâm. Nhưng bạn tôi nhất định không bán vì tin rằng giá bất động sản còn lên. Bạn tôi bảo: Môi giới nói giá mảnh đất đó còn lên nữa.
Nhưng đúng hơn 1 tháng sau, 1 mảnh đất từng có giá 3,3 tỷ xuống còn 2,1 tỷ đồng. Mảnh đất 2,7 tỷ chỉ được trả với mức 1,7 tỷ đồng. Còn căn nhà trị giá 3,5 tỷ đồng khi đó tụt giá mất 200 đồng. Trong 1 tháng, mất tới hơn 2 tỷ đồng, với công việc công chức nhà nước thì 2 tỷ đồng là khoản giá trị rất lớn".
Câu chuyện của chị Nguyễn T.N (Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự vì chờ đợi lời lớn. Tháng 2/2021, chị quyết định xuống tiền vào lô đất nền tại Bắc Giang. Lô đất này chị đã mua được với giá rẻ hơn thị trường ở thời điểm đó. Sau hơn 1 tháng, mảnh đất của chị được khách trả chênh tới 300 triệu đồng.
"Tôi lại nghĩ đất sốt thế này, thảo nào đất cũng tăng giá nữa nên tôi chấp nhận đợi thêm. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, Bắc Giang xuất hiện các ca Covid-19. Bắc Giang phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Lô đất của tôi không thể rao bán được. Đến hiện tại, Hà Nội thực hiện chính sách giãn cách xã hội, mảnh đất của tôi giờ còn chưa thoát được hàng", chị N kể.
Chị N. cho biết thêm: "Giờ tôi phải chấp nhận bán bằng giá lúc đầu mua vào. Nhưng tôi lo ngại không bán được. Bây giờ tôi chấp nhận đợi hết dịch mới có tính toán được. Giá như tôi chốt hàng nhanh thì giờ đã an tâm vì lãi 300 triệu, không phải ngồi trên đống lửa lo lắng khoản nợ ngân hàng cùng với tài sản thì đóng băng".
Theo những nhà đầu tư kỳ cựu, chốt lời luôn là bài toán không hề dễ dàng. Ngay cả với nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, đôi lúc, vì dự tính sai trong thời điểm mà tài sản có thể mất hàng tỷ đồng. Theo ông P.N, tại thị trường bất động sản Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư "ôm hnafg" đến hiện tại đều chấp nhận tổng tài sản giảm tới 20-30% so với thời điểm mua.
"Tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư luôn xuất hiện khi họ đã từng kiếm được lời từ bất động sản. Chính tâm lý này khiến họ bỏ qua mọi nguyên tắc, quy luật và chỉ tin rằng, đất sẽ tăng giá. Nhưng không ai có thể nói trước, đất sẽ tăng trong ngắn hạn hay lại tụt dốc. Đó là điều khó đoán vì ngay cả với kịch bản của nền kinh tế, không ai lường trước Covid-19 lại tác động mạnh như vậy.
Trong cuộc chơi bất động sản cũng như vậy, không ai biết trước đất tăng giá hay xuống giá trong 1 tuần hay 1 tháng. Điều này phụ thuộc vào tâm lý, sự tỉnh táo của nhà đầu tư. Ai là người tháo hàng kịp thời thì sẽ đảm bảo được tổng tài sản", nhà đầu tư Trần Quang (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản Hà Nội) nhận định.
Hải Nam
Nhịp sống kinh tế