Từ trưa nay 16-9, Hà Nội cho 19 quận huyện được bán hàng ăn mang về - Ảnh: PHẠM TUẤN
19 quận huyện này gồm 6 quận nội thành và 13 quận, huyện, thị xã ngoại thành, không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng tính từ 6h ngày 6-9 và được điều chỉnh các biện pháp chống dịch.
Cụ thể, thay vì áp dụng cứng theo chỉ thị 16 đến 21-9 như hướng dẫn trước đây, 19 quận huyện này được mở lại cửa hàng văn phòng phẩm, sách, đồ dùng học tập, dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, đồ điện, đồ gia dụng, dịch vụ ăn uống (bán hàng mang về) và đi lại trong 19 quận huyện này không cần "giấy đi đường".
Từ hôm qua 15-9, khi Hà Nội có chủ trương này, người dân Hà Nội đã rất chờ đợi và coi đây là một động thái "mở cửa" trở lại của thành phố. Tính đến nay Hà Nội đã áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 gần 2 tháng, đồng nghĩa với việc cả thành phố đã giảm tối đa việc đi lại, mua bán, sản xuất kinh doanh để chống dịch.
Tuy nhiên, xem xét lại hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành ngày 18-8 về tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, trong đó có Hà Nội, thì tính đến 6-9, thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội thêm 15 ngày và thậm chí quy định "gắt" hơn về giấy đi đường, Hà Nội đã đạt nhiều tiêu chí trong kiểm soát dịch.
Cụ thể ở tiêu chí trong 7 ngày liên tiếp không phát hiện chuỗi, chùm ca bệnh mới, thì chùm ca mới nhất của Hà Nội ghi nhận tại Thanh Xuân Trung từ cuối tháng 8, đến 6-9 đạt tiêu chí này.
Về tiêu chí số mắc mới tại cộng đồng theo tuần, bộ tiêu chí hướng dẫn nếu có xu hướng giảm liên tục trong 2 tuần so với 2 tuần liền kề trước đó, và giảm ít nhất 50% so với tuần có số mắc cao nhất trong đợt dịch, thì nhiều ngày nay số bệnh nhân cộng đồng ở Hà Nội đã giảm.
Cụ thể ngày 9-9 chỉ có 1 bệnh nhân là F1 của bệnh nhân cộng đồng, 10-9 có 10 ca bệnh cộng đồng, 11-9 có 3 ca cộng đồng, ngày 13-9 không ghi nhận ca bệnh cộng đồng, ngày 14-9 có 1 ca cộng đồng...
Trong khi nếu tính ngày 20-8, hơn nửa tháng trước khi Hà Nôi áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 đợt mới nhất, có tới 38 bệnh nhân ghi nhận tại cộng đồng, đến nay Hà Nội cũng đạt tiêu chí về giảm số ca mắc cộng đồng.
Hà Nội được xếp vào nhóm địa phương đang "tiến đến đạt tiêu chí kiểm soát dịch". Riêng từng quận huyện, mức độ đạt các tiêu chí có khác nhau, nhưng biện pháp kiểm soát dịch lại áp dụng chung, dẫn đến khi áp dụng lệnh giãn cách mới ngày 6-9, nhiều quận đang thuộc "vùng xanh" lại trở thành "vùng đỏ", cũng giấy đi đường, phiếu đi chợ... tốn nhiều nhân lực, vật lực.
Phương pháp chống dịch nên mềm dẻo, tùy theo khu vực
Trong công điện gửi các UBND tỉnh thành ngày 15-9, Bộ Y tế cho rằng giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Ở vai trò thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế hướng dẫn khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).
Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ đạo có 1 F0 thì phong tỏa ở diện hẹp nhất, "nhưng anh em ta để cho an toàn có 1 khu phố (có ca bệnh) phong tỏa luôn cả xã, cả phường, có 1 xã phong tỏa luôn 1 huyện".
Ngay trước công điện của Bộ Y tế, ngày 14-9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh đã ký ban hành quyết định hỏa tốc về việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, kể từ 22h ngày 14-9 trên phạm vi toàn bộ huyện Đắk Mil cho đến khi có thông báo mới, do trong 2 ngày 13 và 14-9 ghi nhận 10 ca bệnh cộng đồng tại huyện này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia cho biết hiện không có quy định cứng khi áp dụng giãn cách xã hội, mà tùy thuộc địa phương căn cứ kết quả đánh giá nguy cơ.
Quy định này giúp địa phương có thể đóng - mở cửa tùy tình hình của mình, nhưng lại dễ gây tình trạng tùy tiện, lo lắng quá thì vài ca bệnh cũng giãn cách diện rộng, khó khăn cho giao thương, đời sống, đi lại...
Và vì quy chế chung chung nên thời gian qua có tình trạng "giật cục", giãn cách nhưng không rõ mục tiêu, giãn cách kéo dài nhưng hiệu quả thấp... Năm 2020, Hà Nội từng là hình mẫu chống dịch với biện pháp khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm nhanh, nếu không ghi nhận ca mắc thì tiếp tục thu gọn vùng phong tỏa.
Nhưng năm nay Hà Nội và rất nhiều địa phương đều khoanh vùng rất rộng, giãn cách diện rộng, trong lúc đó lẽ ra phải tận dụng thời gian để đẩy nhanh tiêm chủng, nhưng thực tế lại tiêm chủng chậm hơn số vắc xin được phân bổ.
Đã có tới hơn 20 tỉnh thành phong tỏa kéo dài, kéo theo hàng chục triệu người gặp khó khăn về sinh kế, đi lại, học hành. Trong công điện, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh thành thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ, để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách.
Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo một số chuyên gia, hướng dẫn mới về tiêu chí kiểm soát dịch và mở cửa đã giúp việc triển khai rõ ràng hơn so với trước, nhưng đến nay mới có quy chế này là muộn, bởi dịch đã kéo dài đến gần 2 năm mà giờ mới có quy định khi nào thì mở cửa, nới giãn cách sau phong tỏa.
Hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể khi nào thì thực hiện giãn cách, quy mô dân số như thế nào và ca mắc bao nhiêu thì nên giãn cách xã hội, thay vì để tùy địa phương quyết định như hiện nay.
TTO - Chiều 15-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công văn hỏa tốc về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thủ đô.
Xem thêm: mth.61832124161901202-hcid-gnohc-pahp-gnouhp-iod-yaht-gnort-mahc-auq-oc-ion-ah/nv.ertiout