Theo các chủ quán, so với trước dịch, giá thành một tô phở hiện nay tăng do giá nguyên liệu rau xanh, củ quả đã tăng mạnh - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tuy nhiên, nếu chủ quán biết tính toán vượt qua những thách thức này thì có thể giữ giá bán như trước dịch mà vẫn đảm bảo có lợi nhuận.
Chi phí tăng
Giá thành một tô phở tăng, theo nhiều chủ quán, là do giá nguyên liệu thịt tăng 10 - 15%, giá rau ăn kèm các loại tăng 50 - 70%, chi phí 3 tại chỗ cho người lao động, chi phí an toàn chống dịch như xét nghiệm, 5K...
Anh Đức, chủ quán phở ở quận Bình Thạnh, cho biết trong mùa dịch quán vẫn duy trì, nồi nước phở vẫn được nấu nóng hằng ngày và khách hàng chính là những người trong các khu chung cư gần quán.
Theo anh Đức, việc tăng giá các món ăn chủ yếu do phí giao hàng và tăng ở những quán nhỏ chứ về mặt bằng chung, giá nguyên liệu tăng nhưng vẫn trong giới hạn có thể tính toán để giữ giá như cũ.
Chủ quán trên tính toán thêm đối với những quán đạt được số lượng trên 300 tô/ngày thì dễ tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá tốt, chỉ tăng dưới 10%. Lúc này, chi phí đầu vào chủ yếu tăng từ tiền công trả cho nhân sự và phí thực hiện 3 tại chỗ như ăn ở, xét nghiệm... nhưng bù lại, tiền mặt bằng được giảm nên cũng chia sẻ được một phần gánh nặng đầu vào.
Tuy nhiên tại những quán ăn nhỏ hiện nay khó mua được nguyên liệu đầy đủ nếu nấu phở nên khả năng phải tăng giá thành rất cao.
Ngoài ra, "nếu các quán chủ động được phần giao hàng, giá cả có thể sẽ hạ nhiệt hơn trong những ngày tới" - anh Đức chia sẻ.
Tương tự, chị Thành - chủ một quán ăn ở quận 7 - cũng cho biết nguyên liệu rau xanh và củ quả tăng giá mạnh nhất, hơn 60%, còn thịt bò gần như tăng không đáng kể nhờ quán mua tận gốc nhà máy, các món ăn như cơm sườn, cơm gà, bánh canh... vẫn giữ được giá bán như trước dịch.
"Rau xanh tăng mạnh nhất nhưng quán bán mang đi nên phần rau xanh mình chủ động lượng vừa phải, trong khi bình thường khách ăn ở quán thì hay xin thêm" - chủ quán này cho biết.
Đại diện Tasty Kitchen, chuyên kinh doanh thức ăn mang đi, lại cho biết mở bán lúc này sẽ khó có lợi nhuận vì các chi phí đầu vào cao với các doanh nghiệp lớn do chi phí nhân sự cao. Nhưng doanh nghiệp vẫn bắt tay làm để giữ thị trường và có việc làm cho lao động.
"Chúng tôi đang chờ được cấp thêm giấy đi đường để nhân viên tự đi giao hàng. Nếu trông chờ giao món qua các ứng dụng, người tiêu dùng sẽ mất phí rất cao" - đại diện Tasty Kitchen nói.
Đồ họa: TUẤN ANH
Sức mua dần phục hồi
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy ngày 16-9, nhiều hàng quán, doanh nghiệp ở quận 7 đã tái hoạt động theo chương trình thí điểm mở lại các hoạt động kinh tế từ ngày 16 đến 30-9. Để mua thực phẩm, các khách hàng phải quét mã QR, khai báo y tế qua app.
Tại tiệm bánh mì Phượng Hoàng (phường Tân Phú), trước cửa tiệm có treo tấm biển ghi dòng chữ "hộ kinh doanh xanh" do UBND phường cấp, kèm mã QR để người dân, shipper khi đến mua hàng phải khai báo y tế.
Ông Dương Văn Tài - chủ tiệm bánh mì Phượng Hoàng - cho biết để tái hoạt động, tiệm đã đăng ký phương án kinh doanh và cam kết hoạt động an toàn bằng văn bản với UBND phường.
Trong đó, 4 lao động của tiệm đều phải xét nghiệm COVID-19 trước khi kinh doanh, các nhân viên ăn ngủ tại tiệm theo phương án 3 tại chỗ.
Do quy định phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ nên tiệm đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua bộ xét nghiệm để tự thực hiện theo chu kỳ 2 ngày/lần.
Theo ông Tài, trước dịch bán mỗi ngày 1.200 ổ bánh mì, còn hiện nay tình hình kinh doanh chưa khả quan, ngày đầu ông chỉ sản xuất khoảng 300 ổ bánh mì.
Đối với các tiệm ẩm thực bán hàng qua các app công nghệ, khách hàng đặt liên tục khiến các tiệm đều nhận định sức mua của người dân đang dần phục hồi.
Bà Nguyễn Ngọc Lan - chủ tiệm bún ở quận 7 - cho biết sức mua đã tương đương trước dịch khi số lượng đơn trong ngày tăng mạnh.
Theo bà Lan, việc buôn bán qua shipper rất tiện khi đơn hàng đổ về, tiền chuyển về tài khoản, người bán người mua không tiếp xúc trực tiếp, tránh nguy cơ dịch bệnh.
Về giá cả, bà Lan cho biết mỗi phần thức ăn vẫn giữ giá như cũ 48.000 đồng, bà phải trả cho app 25% tiền hoa hồng, còn khách hàng phải cộng thêm từ 10.000 - 20.000 đồng tiền giao hàng nội quận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Gong Cha VN cho biết chi nhánh tại quận 7 của hệ thống này là điểm đầu tiên tại TP.HCM tái hoạt động theo hình thức 3 tại chỗ, sau đó các quận khác như Phú Nhuận, Gò Vấp, TP Thủ Đức cũng sẽ mở bán lại.
Theo vị này, các nhân viên phải xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi tới cửa hàng, sau đó ăn ngủ, làm việc tại chi nhánh và hệ thống này chỉ bán hàng mang đi qua shipper.
Đại diện các tiệm kinh doanh thức uống cho hay trong ngày đầu tái hoạt động ở quận 7, có tiệm sức mua khôi phục tốt song có tiệm lượng khách hàng còn khiêm tốn. UBND quận 7 cho biết quận chọn 150 hộ kinh doanh, doanh nghiệp để được hoạt động thử nghiệm, gồm 80 hộ kinh doanh, 70 doanh nghiệp với 2.290 lao động.
Các lao động này đảm bảo đủ điều kiện 100% đã tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày và 30% tiêm mũi 2. Các cơ sở tái hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện theo kế hoạch, được cấp mã QR và dán biển "hộ kinh doanh xanh", "doanh nghiệp xanh" để đi vào hoạt động kể từ ngày 16-9.
TTO - Quận 7 là một trong 3 địa phương thí điểm mở lại các hoạt động kinh tế từ ngày 16 đến ngày 30-9. Trong sáng 16-9, Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhịp sống kinh tế của các hàng quán vỉa hè tại quận 7.
Xem thêm: mth.6033352261901202-oan-eht-uhn-hcid-iv-aig-iod-ohp-ot/nv.ertiout