Chương trình có sự tham gia của ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN & PTNT); đại diện lãnh đạo một số đơn vị chuyên môn của Bộ NN & PTNT, NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải; lãnh đạo các địa phương ĐBSCL, TP HCM và một số tỉnh thành khác cùng đại diện các sàn giao dịch, nhà phân phối, doanh nghiệp, ngân hàng,…
Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL đã nêu lên những khó khăn trong việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của các địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất, lưu thông hàng hóa của 19 tỉnh phía Nam. "Việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ hàng hóa nông – lâm – thủy sản gặp nhiều khó khăn. Lượng công nhân thu hoạch tại nông trại, địa phương, vùng sản xuất bị hạn chế do thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16.” Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng nêu ra thực trạng các thương lái thu mua, các công ty phân phối, chợ đầu mối,… gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển. Mặc dù có kênh bán hàng online, thương mại điện tử nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn lớn. Việc áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" để phòng chống dịch cũng khiến các doanh nghiệp ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, năng suất, tâm lý của người lao động và làm gia tăng nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, đại diện của các sàn thương mại điện tử, nhà phân phối cũng cho biết hiện vẫn tồn tại nghịch lý nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam đang dư thừa lượng lớn hàng hóa, nhất là nông – thủy sản, trong khi một số doanh nghiệp phân phối lại đang gặp tình trạng thiếu hụt hàng.
Trước tình hình đó, với sự hỗ trợ của Bộ NN & PTNT, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công thương và Tổ công tác 970, các tỉnh, thành đã đưa ra nhiều giải pháp xử lý hữu hiệu như phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, kết nối tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối lớn, siêu thị, chợ 0 đồng, vừa cung cấp lương thực cho người dân vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin,… Lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL cũng bày tỏ mong muốn sớm có hướng dẫn để từng bước tháo gỡ “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ”, khôi phục sản xuất – kinh doanh.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, cho rằng mục đích hiện nay là phải giảm thiểu rủi ro cho nông dân, chính quyền, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần ngồi lại để cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo sự kết nối cung – cầu và cùng kiến tạo ra một không gian an toàn để thực hiện giãn cách với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu cũng đã đưa ra một số đề xuất như tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp; quy định thống nhất về giao thương toàn vùng giữa các địa phương ở ĐBSCL; kết nối hình thành sự giao thoa, thống nhất giữa các địa phương thuộc 13 tỉnh ĐBSCL để doanh nghiệp, thương nhân di chuyển, thu mua, tiêu thụ nông – thủy sản trong vùng; tháo gỡ vướng mắc trong lưu thông hàng hóa trên quốc lộ, tỉnh lộ; kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại, đa dạng hình thức phân phối…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện cho ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ với những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL và TP HCM đang gặp phải. Theo Phó Thống đốc, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải vừa chống dịch, vừa giải được bài toán thu hoạch, tạm trữ, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông – thủy sản ở ĐBSCL. Trước tình hình giãn cách xã hội tại ĐBSCL và một số tỉnh, thành phía Nam khiến chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản bị đứt gãy, doanh nghiệp, thương nhân gặp khó khăn, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung mở rộng hạn mức tín dụng, tăng thêm vốn để cho doanh nghiệp và thương nhân vay.
Ông cho biết, kể cả trước khi có dịch, đối với ngành Ngân hàng, ĐBSCL luôn là đối tượng, khu vực cần tập trung, quan tâm với những chính sách cụ thể, khác biệt. Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ đã giải quyết căn cơ cho câu chuyện ưu tiên về nguồn lực, vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn nói chung. Ngành Ngân hàng cũng có một số văn bản chỉ đạo chung toàn ngành tập trung nguồn lực cho khu vực ĐBSCL, trong những trường hợp cụ thể như tạm trữ lương thực, hạn hán, xâm nhập mặn,…
Ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; sau đó là Thông tư 03, sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 01; và mới đây nhất là Thông tư 14.
Với quan điểm, chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, NHNN cũng đã giảm lãi suất điều hành, giảm các loại phí cho các NHTM để giảm bớt chi phí đầu vào, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho rằng các ý kiến phát biểu tại tọa đàm rất có giá trị, góp phần trong việc kết nối cung – cầu hàng hóa thành công. Sau toạ đàm này, Báo Người Lao Động sẽ phối hợp với một số đơn vị, trong đó có NHNN và các bộ, ban, ngành, tiếp tục tổ chức những hoạt động khác. Trước mắt, Báo Người Lao Động sẽ mở một kênh Zalo để kết nối với lãnh đạo các ngân hàng, địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để kết nối với các bộ, ngành hỗ trợ giải quyết; kết nối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành.
LK
Ảnh: ĐK.
Xem thêm: 918564VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www