Chiều nay (17/9), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thi đua ngành Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2021-2025 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tại Hội nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc nếu kiểm soát tốt dịch bệnh vào tháng 9, thì cần triển khai kế hoạch phục hồi tăng trưởng ngay sau đó.
“Cuối năm nền kinh tế dự báo đạt tăng trưởng GDP khoảng 3,5%-4%. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đặt ra của cả năm, nhưng để đạt được mức tăng trưởng này, chúng ra cần nỗ lực rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bên cạnh những thách thức, ông Dũng cho rằng thời kỳ “hậu COVID-19 mở ra cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu đang rộng mở, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế thuận lợi hơn. Đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cách đây ít ngày, theo báo cáo từ HSBC, viễn cảnh kinh tế Việt Nam đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm. HSBC nhấn mạnh rằng dù trong bối cảnh nào, kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình.
Hậu COVID-19, kinh tế Việt Nam cần một kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế nhanh nhanh nhưng phải đảm bảo sự bền vững
Trước yêu cầu cấp thiết về một kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế nhanh nhưng phải đảm bảo sự bền vững, tại Hội Nghị, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi vừa tiếp tục cùng cả nước nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định vĩ mô.
Đồng thời cần chủ động nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị trước những điều kiện cần thiết để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển nhanh và bền vững khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.
“Nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo của Bộ và ngành Kế hoạch và Đầu tư ngày càng lớn, trách nhiệm ngày càng cao. Đất nước đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng cũng đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng cho biết.
Trước đó ngày 14/9, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong tháng 10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ đề án phục hồi kinh tế. Dự kiến 2 năm 2022 và 2023 được xác định là thời gian phục hồi kinh tế của cả nước.
VTV.vn - HSBS đưa ra 2 viễn cảnh của kinh tế Việt Nam năm 2021, đồng thời nhấn mạnh rằng viễn cảnh nào cũng cần phải được triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!