Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia.
Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát cơ chế giá ở tất cả khâu, nhất là giá phát điện của các loại nguồn nhằm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và giảm giá mua điện.
Hiện giá mua điện từ các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) đang cao hơn các nguồn điện khác. Theo quyết định 13/2020, các dự án vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến 31/12/2020 có giá mua cố định trong 20 năm. Mỗi kWh điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (khoảng 1.644 đồng), điện mặt trời nổi là 7,69 cent (1.783 đồng) và mặt trời mái nhà 8,38 cent (1.943 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, biến động tỷ giá.
Còn các dự án điện gió, theo quyết định 39, vận hành trước 1/11 năm nay sẽ được hưởng giá mua cố định 20 năm là 9,8 cent một kWh với dự án trên biển; 8,5 cent một kWh với dự án trên bờ. Trong khi đó, giá mua điện từ nguồn điện than, thuỷ điện dao động 1.110-1.410 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.
Bộ Công Thương được yêu cầu đổi mới giám sát tiến độ thực hiện các dự án điện, nhất là dự án trọng điểm; cùng các cơ quan giải quyết xử lý khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tiến độ các dự án và có cơ chế xử lý với các dự án chậm triển khai, trì trệ, làm ảnh hưởng tới cung ứng điện.
Yêu cầu này được Phó thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng ban chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia đưa ra khi nhiều dự án nguồn điện đang triển khai bị chậm tiến độ, thiệt hại mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Ông đôn đốc tiến độ các dự án điện đang đầu tư trong quy hoạch từ nay đến năm 2025.
Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện (không tính năng lượng tái tạo) là 60 dự án, tổng công suất 61.770 MW. Hiện, Bộ Công Thương quản lý, theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, tổng công suất hơn 26.000 MW. Ngoài 5 dự án đã vận hành thương mại, hiện 3 dự án đang triển khai; 2 dự án đã ký chính thức hợp đồng BOT và nhà đầu tư đang thu xếp tài chính.
Với các dự án nguồn trong nước, năm nay EVN dự kiến hoàn thành 2 dự án với công suất 300 MW; có 2 dự án đang thi công (công suất 840 MW) và 8 dự án đang triển khai các bước đầu tư.
PVN có 9 dự án điện (tổng công suất 8.100 MW) đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư. Tập đoàn này dự kiến vận hành thương mại tổ máy 1 (600 MW) nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào tháng 11 năm nay và tổ máy 2 vào đầu năm 2022.
Việc nhập khẩu than cũng được yêu cầu rà soát tổng thể và đề xuất cơ chế quản lý minh bạch, hiệu quả cao nhất cho nhu cầu trong nước thời gian tới.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng cho các dự án điện, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án bị chậm tiến độ vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xử lý nhanh các nội dung về chuyển mục đích sử dụng rừng các dự án trọng điểm nguồn điện, đặc biệt là dự án lưới điện...
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh phải khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện. Cùng đó, phát triển hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo, tăng biện pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy điện than... bảo đảm cung ứng điện, giảm truyền tải điện xa và giảm tổn thất điện năng.
"Mục tiêu của ngành điện là đảm bảo cung ứng cho phát triển kinh tế xã hội, không để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống và phát triển ngành điện minh bạch, cạnh tranh", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Anh Minh