"Về chiến lược mở cửa, chúng ta cần học cách thích nghi an toàn"
Sáng 17/9, họp cùng các chuyên gia y tế, kinh tế có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Nên cho biết, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải có sự chuẩn bị về tâm thế, thói quen, tinh thần và cả những điều kiện cần thiết để ứng phó với môi trường sống mới có chủng virus Delta.
"Đến lúc TP phải tính đến mức độ giãn cách đảm bảo độ an toàn. TP không thể không mở cửa lúc này" - báo Tuổi Trẻ dẫn lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định như vậy.
Tham gia cuộc họp có chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch. Người lao động dẫn lời phát biểu của ông: "Nếu dựa trên 2 tiêu chí của Bộ Y tế đưa ra và TP mở cửa thì sẽ rất khó khăn sau đó trong khi nếu vừa mở ra rồi lại phải đóng lại thì doanh nghiệp sẽ "chết hết". Do đó, cùng với việc mở cửa lại kinh tế, TP cần tập trung cho các cơ sở y tế để làm sao phát hiện, giúp người dân tự điều trị, giảm áp lực cho các bệnh viện. Với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh của TP, điều quan trọng nhất là lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn phù hợp để doanh nghiệp khôi phục được".
Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thẳng thắn chia sẻ rằng lúc này TP.HCM "không thể không mở cửa".
Ông cho rằng trì hoãn mở cửa sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của TP không chỉ trong năm nay mà còn những năm tiếp theo, trong khi DN một khi đã kiệt quệ rất khó để phục hồi.
"Về chiến lược mở cửa, chúng ta cần học cách thích nghi an toàn, bài toán ở góc độ chính sách là quản lý rủi ro, và bảo vệ những đối tượng có rủi ro nhiều nhất. TP có thể đo lường diễn biến dịch bệnh, có các phương án ứng phó, có kịch bản ứng phó, không phải mở ra một cách ồ ạt, thiếu thận trọng theo kịch bản phù hợp với từng điều kiện thực tế" – nguồn trên dẫn lời TS Vũ Thành Tự Anh nói.
"Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa"
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lắng nghe các chuyên gia góp ý (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng)
Tại cuộc họp, các vấn đề chống dịch của TP cũng được các chuyên gia góp ý.
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời PGS.TS. Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TP.HCM) bày tỏ rất phấn khởi với kết quả ban đầu của TP.HCM trong công tác phòng chống dịch.
Về chiến lược trong thời gian tới, ông Dũng đề xuất, TP.HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ "đánh nhanh, thắng nhanh, tốc chiến, tốc thắng" sang "đánh chắc, thắng chắc".
Lý giải góp ý trên, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cho biết nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng không đảm bảo Covid-19 sẽ không đến một lần nữa. Đây là một cuộc chiến lâu dài, TP.HCM không nên tốn quá nhiều sức lực dẫn đến kiệt quệ.
"Chúng ta có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc", PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nói. Vì thế, ông đề nghị ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, tiếp tục truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển thành xét nghiệm những đối tượng nguy cơ cao, có triệu chứng.
Theo ông, xét về tổng thể, TP.HCM cần xác định "sống chung" và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. "Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn mở cửa", báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề nghị.
Nguồn trên cũng dẫn lời phát biểu của GS.TS.BS. Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM đề nghị, thay vì nói là 5K + vaccine thì cần chuyển trọng tâm ngược lại thành vaccine + 5K, ưu tiên vaccine vì điều kiện cơ bản – điều kiện cần để mở cửa là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác.
Trong khi đó, Tuổi Trẻ trích lời nguyên viện trưởng Viện Y tế cộng đồng TP.HCM Lê Hoàng Ninh nhận định chiến lược của TP là phải có vắc xin, không thể tiếp tục phong tỏa, đóng cửa.
Theo ông Ninh, cần phải xét nghiệm có trọng tâm, nhóm nguy cơ cao, không nên xét nghiệm đại trà gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời, ông Ninh cho rằng phải xác định sống cùng virus, không thể diệt hết virus.
T.Hà
Tổ Quốc