Tờ South China Morning Post đưa tin Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc (TQ) Vương Văn Đào ngày 16-9 đã chính thức gửi đơn cho người đồng cấp New Zealand - ông Damien O’Connor để xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai ông đã có một số trao đổi về tiến trình liên quan việc gia nhập.
Hiện CPTPP có 11 thành viên là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Năm nay, Nhật là chủ tịch luân phiên CPTPP, còn New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin gia nhập và triển khai một số hoạt động hành chính của nhóm.
Đằng sau bước đi của Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, động thái xin gia nhập CPTPP của TQ nhiều khả năng là nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng dài hạn về mặt kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương những năm gần đây.
Lãnh đạo các thành viên CPTPP trong lễ ký kết hiệp định ở thủ đô Santiago của Chile hồi tháng 3-2018. Ảnh: GETTY IMAGES
Trả lời tờ Thời báo Hoàn Cầu, TS Gao Lingyun thuộc Học viện Khoa học xã hội TQ cho rằng việc TQ gia nhập CPTPP sẽ có lợi cho nước này theo hướng TQ có được vị thế trong quá trình đặt ra các quy tắc thương mại khu vực trong tương lai. Hiệp định cũng được kỳ vọng sẽ giúp bổ sung cho những nỗ lực cải cách hành chính và tinh giản thủ tục thương mại - đầu tư từ nước ngoài vào thị trường TQ thời gian qua.
“Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà TQ cũng đang đàm phán gia nhập với khối ASEAN vốn chỉ tập trung vào thị trường châu Á, CPTPP có tầm ảnh hưởng về mặt địa lý sâu rộng hơn khi có cả những nước ngoài khu vực là Canada, Peru hay New Zealand. Do đó, vào được CPTPP góp phần mở rộng liên kết thương mại giữa TQ với thị trường toàn cầu và tạo thêm tiếng vang về mặt chính trị với các thành viên CPTPP nói chung” - bà Gao đánh giá.
13.500 tỉ USD là tổng giá trị kinh tế ước tính của 11 thành viên CPTPP hiện nay, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, theo trang tin Devdiscourse. Nếu gia nhập CPTPP thành công, TQ cũng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong nhóm - vị trí đang do Nhật nắm giữ. |
Theo TS Song Wei, Phó Giám đốc Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế TQ, việc nộp đơn xin gia nhập CPTPP cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện “cam kết của mình với xu hướng mở rộng thương mại toàn cầu”, bất chấp sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
“TQ đang hy vọng CPTPP sẽ đưa thương mại và hợp tác kinh tế toàn cầu về đúng với chủ nghĩa đa phương, qua đó giúp vực dậy cả nền kinh tế TQ giai đoạn hậu COVID-19. TQ muốn được thế giới công nhận là nước có đóng góp vào nỗ lực thúc đẩy hội nhập thương mại khu vực và toàn cầu” - bà Song nói.
Đường vào CPTPP của Trung Quốc không dễ
Trái với nhận xét tích cực của giới học giả TQ, một số học giả phương Tây lại không đánh giá cao cơ hội TQ lọt qua cửa xét duyệt thành viên của CPTPP trong giai đoạn hiện nay. Trước TQ, Anh vào tháng 6 cũng từng nộp đơn xin gia nhập và đến cuối tháng 8 đã bắt đầu đàm phán chính thức với các nước CPTPP, do đó khả năng Anh được kết nạp là rất cao. Theo cơ chế hoạt động của CPTPP, mọi quyết định về thêm, bớt nước tham gia phải có sự đồng thuận của toàn bộ thành viên hiệp định.
Hơn nữa, việc TQ đề nghị gia nhập CPTPP được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Úc, Anh và Mỹ vừa tuyên bố tham gia một thỏa thuận hợp tác ba bên AUKUS trên các lĩnh vực ngoại giao - quân sự - an ninh nhằm đối trọng lại nguy cơ an ninh ngày càng tăng từ TQ. Một số quan chức Bắc Kinh hiện đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này là “vô trách nhiệm” và “mang nặng tâm lý chiến tranh ý thức hệ thời Chiến tranh lạnh”. Tuy nhiên, nếu giờ muốn gia nhập CPTPP thì TQ không thể nào tránh được khả năng phải đàm phán trực tiếp với Úc, thậm chí là cả Anh.
Chưa kể, việc đàm phán thương mại sẽ là một vấn đề nhạy cảm giữa TQ và Úc khi hai nước vẫn đang có tranh chấp kinh tế với việc Bắc Kinh vẫn đang áp thuế quan và chặn hàng tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Canberra. Một thành viên khác của CPTPP là Canada cũng đang mâu thuẫn với TQ sau vụ kiện của lãnh đạo Tập đoàn viễn thông TQ Huawei.
“Trong trường hợp Anh gia nhập CPTPP trước TQ thì nhiều khả năng đơn của TQ sẽ bị Anh, Úc, New Zealand và Canada đồng loạt phủ quyết. Bên duy nhất có thể tỏ ý hoan nghênh TQ là Nhật, còn các nước châu Á khác như Singapore, Malaysia, Brunei sẽ tỏ ý không hài lòng” - chuyên gia Sourabh Gupta thuộc Viện nghiên cứu Mỹ - Trung (Mỹ) trao đổi với South China Morning Post.
Ngay cả khi TQ bằng một cách nào đó giải quyết xong các mâu thuẫn với những thành viên của CPTPP nói trên, vẫn còn một câu hỏi khác là liệu TQ có chấp nhận và chịu tuân thủ các quy định, cơ chế hoạt động của hiệp định khi gia nhập hay không. Theo hãng tin Bloomberg, một trong những điểm trọng tâm của CPTPP là các thành viên phải cam kết tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh, không áp dụng các chính sách bảo hộ cho khối quốc doanh làm ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh chung của thị trường.
“Căn cứ vào điều kiện như vậy, rõ ràng là TQ khi gia nhập sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nếu muốn nói là không thể, trong tuân thủ các quy tắc thương mại của CPTPP” - Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ) Wendy Cutler nhận định.
Tiền thân của Hiệp định CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất và ký kết vào năm 2016. TPP lúc đó có 12 thành viên là Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam; tổng giá trị kinh tế chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, đến khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền thì ông ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1-2017 với lý do bảo vệ lợi ích thương mại Mỹ và công ăn việc làm của lao động trong nước. 11 thành viên còn lại của TPP, trong đó có Việt Nam, sau đó đã tiến hành đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và chính thức ký kết vào tháng 3-2018. Đến ngày 14-1-2019, CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, theo cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương. Đến thời Tổng thống Joe Biden thì Mỹ vẫn chưa có bất kỳ chính sách thương mại cụ thể nào liên quan đến CPTPP, mặc cho một số thành viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi ông tái gia nhập hiệp định này hoặc đóng vai trò tích cực hơn về ngoại giao thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |