Dòng tiền với doanh nghiệp rất quan trọng. Nhưng doanh thu không có, các khoản trả cố định vẫn phải đều đặn đóng khiến nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ về tài chính sau thời gian dài giãn cách do dịch bệnh.
Doanh nghiệp không còn cầm cự được lâu
Hơn 4 tháng nay, xưởng sản xuất nhỏ của anh Minh Quốc (huyện Nhà Bè) không thể hoạt động. Dù không có nguồn thu, anh Quốc vẫn phải gồng mình để trả phí thuê mặt bằng làm xưởng với giá 15 triệu đồng/tháng.
“Trước dịch, tôi thuê 340m2 đất và xây một xưởng nhỏ để khởi nghiệp. Khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi đã phải đóng cửa xưởng, phí thuê đất vẫn phải trả hàng tháng để bảo quản lượng hàng tồn kho. Dù chủ đất đã nhiều lần giảm tiền thuê nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ như của nhà tôi, có giảm thì đó vẫn là một gánh nặng lớn. Bởi ngoài phí thuê đất, tôi còn nợ tiền ngân hàng. Tôi không biết có thể còn cầm cự đến giai đoạn được phục hồi sản xuất lại hay không?" - anh Quốc cho biết.
Câu chuyện của anh Quốc cũng là nỗi lo của không ít doanh nghiệp hiện nay. Theo kết quả khảo sát online của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh (trong đó có 50% số doanh nghiệp tại TP.HCM) thực hiện cuối tháng 8.2021 cho thấy, 40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì COVID-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Doanh nghiệp còn "đủ lực" để "sống" trong 1 đến 3 tháng chiếm khoảng 46%. Nhưng tỉ lệ này giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài.
Đó là con số thống kế, còn trên thực tế, tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thực phẩm đang rất khát vốn. Phát biểu tại buổi tọa đàm "Giải pháp tạo dòng vốn vay tín dụng cho doanh nghiệp sống chung với COVID-19" (diễn ra tối 16.9, tại TPHCM), bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM - cho biết: “Doanh nghiệp đã thật sự đuối rồi, không còn sức chống chọi. Trong số các doanh nghiệp còn sức chống chọi thì sức của họ cũng còn chưa đầy 30%. Chúng tôi đang rất cần nguồn vốn để bổ sung vào dịp lễ, tết nếu không thì các doanh nghiệp cung ứng mức độ nhỏ sẽ đuối hết. Tôi mong muốn nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể đưa vào thực tế”.
Tăng mức hỗ trợ tín dụng nhưng cũng cần hiệu quả
Ông Đào Gia Hưng - phụ trách khối Khách hàng doanh nghiệp VP Bank - nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng giống như người mắc COVID-19, có doanh nghiệp lớn, có doanh nghiệp nhỏ ví như F0 hay F1. Có những doanh nghiệp có ý chí vươn lên và xứng đáng nhận được hỗ trợ, tuy nhiên cũng không thiếu những doanh nghiệp đang trong tình trạng “chết dần” và đang chuyển trạng thái. Với loại hình này nếu hỗ trợ tiếp tục sẽ rất rủi ro.
"Điều mà doanh nghiệp cần ở đây là ngoài việc trả lãi còn là vấn đề trả gốc. Hiện tại, ví dụ, doanh nghiệp phải trả 1 tỉ đồng mỗi tháng thì 70% là gốc và 20% là lãi, cho nên chỉ cần 1 ngày doanh nghiệp trả nợ quá hạn thì họ cũng nằm trong nhóm nợ quá hạn. Các doanh nghiệp này cần những chính sách để có thể có dòng tiền trả vốn, và đây cũng là điều mà các ngân hàng chúng tôi quan tâm.
Những doanh nghiệp đã cạn kiệt nên mạnh dạn chuyển trạng thái. Những doanh nghiệp còn khả năng hoạt động nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ bùng lên như lò xo nén sau khi kinh tế mở cửa. Với loại doanh nghiệp này, cần giảm lãi suất 2%, 3% và có nguồn tiền giúp họ giải quyết nợ vay. Điều này cần “bàn tay hữu hình” của Chính phủ. Tôi ví dụ một doanh nghiệp du lịch đang chết dần, cho nên thời gian tới họ sẽ rất cần đầu ra. Nếu thời gian tới họ được hỗ trợ đầu ra và ngân hàng hỗ trợ đầu vào (vốn) thì các doanh nghiệp sẽ có sức “bật” rất nhanh” - ông Đào Gia Hưng nói.
Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng Giám đốc Sacombank - cũng cho hay, ngân hàng đang có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với mức lãi suất từ 0,5-2%. Các doanh nghiệp vay vốn được phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng, hoạt động tương đối và cầm chừng, ngân hàng có thể tăng tỉ lệ tài trợ trên tài sản bảo đảm lên 80%, 90%, 100% hoặc thực hiện cho vay bằng nguồn thu dòng tiền... Đối với những nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa hay những ngành F&B, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “đứng” hoặc trên bờ vực đứng, do đó ngân hàng cũng cần phải xem xét điều kiện cho vay.
"Nếu cho vay thì doanh nghiệp cần phải cho ngân hàng thấy kế hoạch kinh doanh của họ để có thể thuyết phục ngân hàng, mức độ kinh doanh của họ có an toàn hay không và khả năng trả nợ của họ ra sao... Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cho vay sẽ đối mặt với những rủi ro lớn. Doanh nghiệp sẽ được xem xét cho vay với thời hạn dài hơn hoặc cơ cấu thời gian trả nợ cũ dài hơn. Tuy nhiên, điều này cần có chính sách cụ thể từ nhà nước" - ông Tuệ nêu quan điểm.
Xem thêm: odl.676459-taux-nas-ioh-cuhp-ed-uc-mac-eht-gnohk-ol-peihgn-hnaod-neit-gnod-nac/et-hnik/nv.gnodoal