vĐồng tin tức tài chính 365

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất

2021-09-18 10:35

Trong bối cảnh TP.HCM đang hướng tới nới lỏng giãn cách sau thời gian áp dụng nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu loạt bài về lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội ở một số đô thị có nhiều đặc trưng khá tương đồng với TP.HCM.

Bài thứ tám, chúng tôi giới thiệu lộ trình, cách thức thực hiện của thủ đô Jakata (Indonesia).

Theo số liệu thống kê hôm 14-9, Indonesia, quốc gia với dân số 277.074.640 người, đã ghi nhận tổng cộng 4.178.164 ca nhiễm COVID-19 và 139.682 bệnh nhân đã qua đời kể từ khi dịch lần đầu tiên bùng phát ở quốc gia này vào tháng 3-2020.

Riêng tại thủ đô Jakarta, thành phố có gần 11 triệu dân sinh sống, tổng số ca mắc COVID-19 là 855.119 ca, với 13.445 bệnh nhân đã tử vong, theo trang thông tin về COVID-19 của thành phố.

Indonesia hiện đã tiêm 117.597.616 liều vaccine, trong đó có 74.818.286 người đã được tiêm mũi thứ nhất và 42.779.330 người tiêm đủ hai mũi, theo số liệu từ trang covidvax.live.

Thành phố này đã tiêm 17.258.754 liều vaccine, trong đó có 10.143.670 người được tiêm liều thứ nhất và 7.115.084 người đã hoàn thành mũi thứ hai.

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất - ảnh 1
Người dân thủ đô Jakarta đeo khẩu trang khi di chuyển ở ngoài đường. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Các cấp độ dịch ở Indonesia

Để đối phó đại dịch COVID-19, chính quyền Indonesia đã cho áp dụng các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) theo bốn cấp độ dịch khác nhau, với cấp độ một được xem là “bình thường mới” trong khi cấp độ bốn dành cho những khu vực có tình hình dịch diễn biến phức tạp nhất.

Cấp độ một được áp dụng cho những khu vực có số ca nhiễm trong một tuần ở dưới mức 40 ca/100.000 người và số ca đang điều trị trong một tuần phải được dưới 5 bệnh nhân/100.000 người, đồng thời tỉ lệ số bệnh nhân lấp đầy giường bệnh bình quân trong một tuần phải dưới mức 60%.

Cấp độ hai sẽ là những khu vực có mức độ rủi ro thấp, với số ca nhiễm trong một tuần từ 40-64 ca/100.000 người, số ca đang điều trị trong một tuần từ 5-9 ca/100.000 người và tỉ lệ số bệnh nhân lấp đầy giường bệnh bình quân một tuần vẫn giữ mức dưới 60%.

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất - ảnh 2
Người dân Indonesia đeo khẩu trang phòng chống dịch khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: EPA-EFE

Những khu vực có số ca nhiễm từ 65-100 ca/100.000 người trong một tuần và số ca đang điều trị từ 10-30 ca/100.000 dân, cũng như tỉ lệ bệnh nhân lấp đầy giường bệnh bình quân một tuần từ 60-80% sẽ được xếp vào khu vực có mức độ rủi ro trung bình, tức cấp độ thứ ba. 

Cấp độ bốn, cũng là cấp độ cuối cùng, sẽ được phân vào những khu vực có múc độ rủi ro cao nhất, với số ca nhiễm trong một tuần hơn 100 ca/100.000 người, hơn 30 ca đang điều trị/100.000 người và có tỉ lệ người lấp đầy giường bệnh trung bình trong một tuần cao hơn 80%.

Chính sách giãn cách xã hội ở mỗi cấp độ

Cấp độ 1: Bình thường mới

Đối với cấp độ này, 100% số nhân viên thuộc các lĩnh vực, dịch vụ thiết yếu và quan trọng có thể làm việc tại văn phòng. Các chuỗi cung ứng thực phẩm như siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống có thể hoạt động 100% công suất. Riêng các nhà hàng và quán ăn được mở cửa nhưng chỉ với công suất tối đa là 75%. Các hoạt động dạy và học được tổ chức trực tiếp 100% với quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt. 

Nhân viên của các ngành nghề không thiết yếu cũng có thể đi làm tại văn phòng nếu đã được tiêm chủng đầy đủ. Các trung tâm thương mại và các cơ sở công cộng được mở cửa và hoạt động với 100% công suất. Hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao và tôn giáo cũng được tổ chức trở lại. Các phương tiện giao thông công cộng được chở 100% số lượng khách. Những khu vực thuộc cấp độ một cũng được đón khách du lịch trở lại, song yêu cầu thẻ vaccine và kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính.

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất - ảnh 3
Người dân Indonesia ngồi chờ để được xét nghiệm COVID-19. Ảnh: DW

Cấp độ 2: Mức độ rủi ro thấp

Ở những khu vực được phân vào cấp độ hai, nhân viên thuộc các lĩnh vực thiết yếu và quan trọng vẫn có thể làm việc 100% tại văn phòng. Siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống được hoạt động với 75% công suất. Các nhà hàng và quán ăn được mở của với công suất tối đa là 50%.

Bên cạnh đó, các hoạt động dạy và học sẽ duy trì 50% số học sinh học trực tuyến và 50% học sinh học trực tiếp tại trường. Các lĩnh vực không thiết yếu chỉ được hoạt động với 50% số nhân viên tại văn phòng là những người đã được tiêm chủng. Các trung tâm thương mại, cơ sở công cộng, hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao và tôn giáo cũng chỉ được hoạt động với 50% công suất.

Cấp độ 3: Mức độ rủi ro trung bình 

Với những nơi được phân vào cấp độ ba, các ngành lĩnh vực thiết yếu vẫn được hoạt động 100% công suất nhưng phải tuân theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt. Siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống được hoạt động với 50% công suất và chỉ mở cửa đến 22 giờ. Các nhà hàng, quán ăn có thể phục vụ khách hàng tại chỗ đến 17 giờ với công suất 25%, riêng dịch vụ bán mang về vẫn có thể hoạt động đến 20 giờ. Các trường học chuyển sang hình thức dạy trực tuyến 100%. 

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất - ảnh 4
Nhân viên sân bay Indonesia đo thân nhiệt cho một vị khách. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, 25% số nhân viên thuộc các lĩnh vực không thiết yếu được hoạt động tại văn phòng, 75% còn lại làm việc tại nhà. Các trung tâm mua sắm chỉ được hoạt động 25% công suất và chỉ mở cửa đến 17 giờ. Tạm đóng cửa hoàn toàn các cơ sở công cộng, tạm dừng các hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, tôn giáo. Các tiệc cưới không được phép tổ chức. Các phương tiện giao thông công cộng chỉ được phép chở 70% số lượng khách. 

Cấp độ 4: Mức độ rủi ro cao

Đối với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao phải áp dụng cấp độ 4, các lĩnh vực thiết yếu chỉ được phép cho khoảng 25-50% số nhân viên đến làm việc tại văn phòng, tùy thuộc vào loại hình dịch vụ, riêng các lĩnh vực quan trọng 100% số nhân viên có thể đến chỗ làm. Siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống vẫn được mở cửa nhưng chỉ hoạt động với 50% công suất và đến 20 giờ. Các nhà hàng, quán ăn chuyển sang phục vụ mang đi. Các trường học tổ chức việc giảng dạy trực tuyến.

Nhân viên thuộc các lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà 100%. Các trung tâm mua sắm và các cơ sở công cộng phải đóng cửa hoàn toàn. Những hoạt động xã hội, văn hóa, thể thao, tôn giáo không được phép tổ chức. Người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng bắt buộc phải có thẻ vaccine và kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Phương tiện giao thông công cộng cũng chỉ được hoạt động tối đa 70% công suất.

Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất - ảnh 5
Học sinh Indonesia đeo khẩu trang và ngồi cách xa nhau trong lớp học để phòng chống lây nhiễm COVID-19. Ảnh: THE DIPLOMAT

Chính sách hỗ trợ của chính phủ

Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trực tiếp khởi động chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân trên toàn quốc trong năm 2021. Theo đó, chính phủ Indonesia đã trích từ ngân sách số tiền 110.000 tỉ rupiah (hơn 175 nghìn tỉ VNĐ). Số tiền này hỗ trợ cho tất cả người dân ở 34 tỉnh, thành phố với hy vọng có thể giúp giảm bớt khó khăn cho các gia đình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và là động lực thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thông qua tăng cường sức mua của người dân.

Theo bà Tri Rismaharini, Bộ trưởng Bộ Xã hội Indonesia, gói hỗ trợ này được cung cấp theo bốn giai đoạn vào các tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 thông qua chuyển khoản tại các ngân hàng. Chương trình cũng nhắm mục tiêu cho 10 triệu gia đình thụ hưởng với tổng ngân sách là 28.700 tỉ rupiah (hơn 45 nghìn tỉ VNĐ), bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em mầm non, trẻ em đi học, người khuyết tật và người già. 

Ngoài ra, chính phủ nước này còn có chương trình lương thực hỗ trợ cả thực phẩm lẫn tiền mặt cho 18,8 triệu gia đình, với tổng ngân sách là 45.120 tỉ rupiah (hơn 72 nghìn tỉ VNĐ) và được phân bổ từ tháng 1-12 năm nay thông qua tài khoản tại các ngân hàng.

Indonesia cũng trích ngân sách 75.000 tỉ rupiah (hơn 119 nghìn tỉ VNĐ) cho ngành y tế, 70.100 tỉ rupiah (gần 112 nghìn tỉ VNĐ) cho các ưu đãi thuế và tín dụng dành cho các doanh nghiệp và 150.000 tỉ rupiah (gần 239 nghìn tỉ VNĐ) cho các chương trình phục hồi kinh tế bao gồm tái cơ cấu tín dụng và tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Xem thêm: lmth.2785101-tahn-oac-od-pac-o-iht-ueis-ohc-mac-gnohkatrakaj-ial-auc-om-hnirt-ol-coh-iab/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bài học lộ trình mở cửa lại: Jakarta-không cấm chợ, siêu thị ở cấp độ cao nhất”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools