Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai này có hiệu lực từ 1-7-2024, thay vì 1-1-2025 như được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 hồi đầu năm.
Nửa năm quý giá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Ngô Trung Thành, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-7.
Ông nói việc đề xuất Quốc hội cho phép một luật có hiệu lực thi hành sớm hơn so với thời gian được ấn định khi thông qua là chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, theo ông Thành, xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của Luật Đất đai và đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai thì Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.
Ông Thành chỉ rõ xác định đây là luật khó, quan trọng, cần nhiều văn bản hướng dẫn nên khi thông qua luật, các cơ quan và Quốc hội đã cố gắng bố trí thời gian có hiệu lực dài hơn, cụ thể khoảng một năm. Thời gian này theo tính toán đủ để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Song hiện nay, theo thông tin, Chính phủ đã và đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ ban hành sớm các văn bản này đảm bảo chất lượng.
"Việc này rất đáng ghi nhận và khi các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn từ 1-7. Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể khi Chính phủ trình chính thức", ông Thành nói.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng nhấn mạnh hiện nay một trong những điểm nghẽn lớn nhất có liên quan đến Luật Đất đai. Do đó, với những sửa đổi luật rất tích cực vừa qua, nếu sớm được nửa năm đưa vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ổn định về xã hội, lợi ích cho người dân.
"Nửa năm là thời gian rất quý giá và sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Việc chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, đất nước. Qua đó thấy rõ tinh thần kiến tạo, phát triển của Chính phủ. Tôi cho rằng chắc chắn Quốc hội sẽ hoan nghênh điều này", ông Lộc nêu.
Ông Lộc cũng cho hay thông thường với các luật sau khi được thông qua thường có thêm sáu tháng mới có hiệu lực thi hành. Nhưng với Luật Đất đai là một năm.
Việc này để có khoảng thời gian đủ dài giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, nhằm đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Ông Lộc nhắc lại, qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh được biết hiện nay bộ đang đẩy nhanh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cùng Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội thực hiện cả ba luật từ ngày 1-7-2024.
"Với bối cảnh hiện nay rõ ràng cần có sự đột phá, khẩn trương của những người làm công tác xây dựng thể chế thay cho sự quá cẩn trọng, sợ sai, không dám làm... Việc quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo đà rất tốt cho phát triển...", ông Lộc nhấn mạnh.
Văn bản thi hành phải đảm bảo chất lượng
Để có thể trình Quốc hội xem xét thay đổi hiệu lực thi hành sớm hơn với luật, ông Lộc cho rằng bên cạnh tinh thần, trách nhiệm thì điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết đảm bảo chất lượng.
Trong đó, các nghị định, thông tư, văn bản phải đảm bảo phản ánh trung thành được tinh thần của Luật Đất đai, giúp triển khai một cách đồng bộ, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa chỗ này, chỗ kia.
"Đồng thời, qua đó phải tháo gỡ được những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong tiếp cận đất đai, vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai cũng như liên quan đời sống người dân. Rõ ràng việc rút ngắn thời gian rất đáng hoan nghênh nhưng chất lượng không thể nhân nhượng và đây sẽ là điều để Quốc hội đưa ra quyết định", ông Lộc nói thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho hay hiện nay, không chỉ có Luật Đất đai mà Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới cũng đang được các bộ xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để trình Quốc hội cho phép thi hành từ 1-7-2024.
Theo ông Châu, để chuẩn bị thi hành Luật Đất đai mới cần có 16 nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết. Trong đó, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành sáu nghị định. Cộng với các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì số lượng nghị định, thông tư sẽ là hơn 20.
"Đây là con số rất lớn nhưng rõ ràng với các nội dung chuẩn bị hiện nay có thể tự tin các văn bản dưới luật sẽ được tiếp tục hoàn thiện để ngày 1-7 có thể đưa vào thực thi", ông Châu nói.
Ông Đào Trung Chính (cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Người dân, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu Luật Đất đai
Bộ đang phối hợp cùng các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 theo yêu cầu của Thủ tướng. Việc trình các nghị định hướng dẫn thi hành luật trước ngày 31-3 là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1-7.
Trước tính cấp thiết của luật, nhiều đơn vị của bộ đang phối hợp cùng một số bộ, ngành chuẩn bị các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để trình Thủ tướng tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7.
Luật Đất đai được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 có 16 chương, 260 điều. Riêng điều 190 (hoạt động lấn biển) và điều 248 (đất lâm nghiệp) có hiệu lực sớm hơn (kể từ ngày 1-4-2024).
Trước đó, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, ban soạn thảo đã phải rà soát tất cả các luật liên quan đến đất đai. Trong luật mới về cơ bản đã quy định đầy đủ rõ ràng hơn, các tình huống, trường hợp để thực hiện.
Người dân và doanh nghiệp cần nghiên cứu các nội dung của luật vì luật lần này còn có cả điều khoản chuyển tiếp để thi hành luật. Những cái gì có thể chờ luật mới có hiệu lực để thực hiện theo điều khoản mới có sự thuận lợi hơn thì người dân và doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (ủy viên Ủy ban Kinh tế):
Thi hành luật sớm, tốt cho các bên
Nếu Chính phủ trình và Quốc hội xem xét, đồng ý để Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024 thay vì 1-1-2025 sẽ rất tốt.
Thực tế, Luật Đất đai mới đã chỉnh sửa, bổ sung các cơ chế, chính sách mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển.
Đồng thời, bổ sung thêm các chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư cho người dân, bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất hằng năm tiệm cận với giá thị trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2026...
Như vậy, nếu luật có hiệu lực sớm hơn sáu tháng sẽ có tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gỡ khó cho các dự án có vướng mắc về đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ đất sản xuất nông nghiệp và người dân sẽ được lợi nhiều hơn.
Có thể nói việc có hiệu lực sớm hơn sẽ tốt cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Luật Đất đai 2024 có thể được thi hành kể từ ngày 1-7-2024, sớm hơn so với kế hoạch ngày 1-1-2025.