"Bố già" phiên bản phim chiếu mạng trên YouTube và Galaxy Play - Ảnh: Trấn Thành Town
Trong đó, việc chọn phương án kiểm duyệt nào cho phim chiếu mạng cũng được nhiều người quan tâm trong bối cảnh ngành giải trí trực tuyến ngày càng bùng nổ.
Ủng hộ hậu kiểm phim chiếu mạng
Ủng hộ hậu kiểm phim mạng là quan điểm chung của nhiều nhà làm phim, nhà quản lý khi gửi tham luận góp ý cho dự thảo. Trong dự thảo, ở điều 22 - Phổ biến phim trên không gian mạng, có hai phương án được đưa ra bàn thảo: một là tiền kiểm như phim chiếu rạp, hai là tự phân loại và hậu kiểm.
Với số lượng hàng triệu phim, rõ ràng tiền kiểm là không khả thi. Nếu hậu kiểm, trách nhiệm kiểm tra và xử lý sẽ thuộc về hai cơ quan là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông.
Bà Ngô Phương Lan - chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh - nhận định: "Tiền kiểm không khả thi vì số lượng phim chiếu mạng gấp hàng trăm hàng ngàn lần phim rạp, khó có hội đồng nào duyệt và cấp phép cho xuể".
Tại Việt Nam, dịch vụ OTT (cung cấp nội dung trên Internet) đang có các nền tảng như FPT Play (có HBO Go), Galaxy Play, VieON, Netflix, WeTV, Danet... Nhiều phim chiếu mạng còn phát hành qua kênh YouTube của nhà sản xuất. Số lượng tổng cộng từ các nền tảng này cũng có thể lên đến hàng triệu phim.
Sắp tới, nếu các nền tảng quốc tế như Disney+, Apple TV+, HBO Max, Hulu... vào Việt Nam, mang theo kho phim riêng hùng hậu thì con số còn tăng lên. Yêu cầu thực tế đặt vấn đề cấp thiết: cần cơ chế hậu kiểm phim mạng được quy định rõ ràng trong Luật điện ảnh.
Bà Ngô Phương Lan phân tích: "Xu hướng thế giới là phim chiếu mạng do các nhà cung cấp dịch vụ OTT tự phân loại và dán nhãn. Nếu theo phương án này, cần phải có quy định thật rõ ràng, minh bạch, không thể suy diễn hay cố ý hiểu nhầm về các nội dung bị cấm trong phim, cũng như tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi".
Dự thảo cũng yêu cầu các phim mạng không vi phạm quy định của các điều cấm, đặc biệt là điều 11 và điều 16. Nhưng theo bà Lan, các mục cấm ở điều 11 cần phải xem xét lại vì chung chung, rối rắm, dễ gây tranh cãi khi hậu kiểm.
Bà Nguyễn Phương Hòa - cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch - cũng ủng hộ phương án hậu kiểm nhằm tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi để phát triển không chỉ điện ảnh mà còn các ngành thương mại khác.
Bà Hòa nhấn mạnh: "Nếu tiền kiểm sẽ tạo thêm rào cản trong kinh doanh xuyên biên giới, dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị Mỹ quy kết hạn chế thương mại với các doanh nghiệp của nước này, đồng thời đi ngược lại cam kết quốc tế trong cơ chế định kỳ phổ quát mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện".
Có cần dùng AI phát hiện cảnh khiêu dâm, đẫm máu?
Cũng ủng hộ hậu kiểm phim mạng, GS.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên hiệu trưởng Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội - cho rằng vấn đề chính là công tác thanh tra, hậu kiểm phải được nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa sâu.
Ông Hiệp đề xuất thêm: "Việc quản lý phim chiếu mạng thời công nghệ không thể đứng ngoài công nghệ. Công nghệ không thay thế được con người nhưng trí tuệ nhân tạo (AI), những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp đắc lực trong việc phát hiện những cảnh khỏa thân khiêu dâm, bạo lực đẫm máu, bản đồ không đúng chủ quyền lãnh thổ và những nội dung bị cấm trong Luật điện ảnh".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khánh Dương - nhà sáng lập hệ thống Box Office Vietnam - cho rằng AI có thể phát hiện các yếu tố khiêu dâm, đẫm máu bằng cách nhận diện cơ thể người, máu, phần hở ra của cơ thể. Những ứng dụng mạng xã hội đã làm như vậy.
Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng AI để hậu kiểm phim. Hiệp hội Điện ảnh Mỹ vẫn sử dụng hội đồng (tức con người) để phân loại độ tuổi. Điều này các nhà phát hành phim mạng có thể làm trong quá trình tự kiểm, còn khi phim đã lên nền tảng thì cơ quan nhà nước hậu kiểm.
"Sẽ hợp lý hơn nếu các nền tảng trực tuyến tự làm AI cho nền tảng của họ vì họ có hệ thống nhân sự kỹ thuật, kiến thức, và tập dữ liệu mẫu đủ lớn để AI học. Sau khi phim đã được phổ biến, nếu có vấn đề, không sớm thì muộn dư luận sẽ lên tiếng. Và khi dư luận lên tiếng, cơ quan quản lý hãy can thiệp" - ông Dương nói.
Nhiều người góp ý tin rằng dù tiền kiểm hay hậu kiểm, dù phát trên nền tảng nào, phim ảnh phổ biến ở Việt Nam vẫn phải tuân thủ Luật điện ảnh của Việt Nam. Những phim vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ đều bị phát hiện, xử lý.
TTO - Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát.