Cà Mau nổi tiếng cả nước với những đặc sản của mô hình tôm-lúa. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản đang khó khăn do thiếu nguyên liệu.
Xuất khẩu "tắc" do thiếu nguyên liệu
Theo ông Lê Văn Quang - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp Minh Phú đang rất lo ngại khi tháng 10-11 tới không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài, cần triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để quý 4 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
“Chuẩn bị nguyên liệu để xuất khẩu đi các nước Châu Á thì có thể, còn các nước ở xa như Châu Âu, Châu Mỹ thì không kịp” – “vua tôm Minh Phú” Lê Văn Quang chia sẻ.
Tình trạng của doanh nghiệp Minh Phú chỉ là ví dụ trong chuỗi doanh nghiệp thủy sản đang thiếu nguyên liệu chế biến cho xuất khẩu cuối năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), hơn 60% doanh nghiệp thủy sản đã phải đóng cửa do có ca F0 hoặc không đủ tiềm lực để sản xuất “3 tại chỗ” (3T); phải thực hiện giãn cách nên số nhân lực phục vụ 3T cũng giảm mạnh nên công suất chỉ đạt 30-35%.
Tại diễn đàn "Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau” tổ chức sáng 19.9 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì, đại diện các hiệp hội, nhà mua, siêu thị, doanh nghiệp phân phối, xuất nhập khẩu, logistic trong và ngoài nước, doanh nghiệp thương mại điện tử và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông, thủy sản tỉnh Cà Mau cũng giãi bày những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đương đầu.
Các doanh nghiệp đều chung tình cảnh thiếu vốn để sản xuất, chế biến, kịp trả các đơn hàng cho đối tác vào dịp cuối năm, khi Noel và năm mới – “thời điểm vàng” của xuất khẩu thủy sản đang đến rất gần.
Bao tiêu sản phẩm hỗ trợ nông dân
Ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, doanh nghiệp đã kết hợp nhiều đơn vị như Công ty Minh Phú để đẩy mạnh trồng lúa trên đất nuôi tôm và cả đất lúa 2 vụ. Hiện Lộc Trời có 2 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và đều được đưa vào thử nghiệm gieo trồng.
“Ví dụ, vụ hè thu, công ty bao năng suất 5 tấn/ha trên đất lúa 2 vụ, đồng thời cử chuyên gia xuống tận đồng ruộng, hướng dẫn cụ thể người dân. Trong vụ lúa hè thu, giá biến động nhưng bà con nông dân liên kết với Lộc Trời được bao lợi nhuận tối thiểu trên một diện tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục mô hình này ở vụ đông xuân sắp tới” – ông Nguyễn Đức Hiền thông tin.
Ông Huỳnh Hữu Nhân - đại diện Camimex Food - cho biết, ngoài việc chuyên chế biến các sản phẩm tôm đông lạnh, tôm chế biến sâu và sản phẩm chế biến cá tuyết nhập khẩu từ Châu Âu, Nga và Mỹ, Camimex cũng có hệ thống nuôi tôm sinh thái với tổng diện tích lên đến 6.000ha được chứng nhận từ giai đoạn giống cho đến sản phẩm chế biến cuối cùng. Ngoài sản xuất để xuất khẩu, Camimex cũng sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong nước.
Để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, các doanh nghiệp đều cam kết thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông sản của nông dân. Ông Đỗ Quốc Huy - Phó Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op - đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ để giải quyết sự mất cân đối của bài toán cung – cầu, bởi hiện nay, giá các mặt hàng nông sản đang xuống thấp nhưng người dân ở các địa phương giãn cách phải mua giá cao do giao thương bị tắc nghẽn, cần được tạo luồng thương mại thông thoáng.
“Đây là bất lợi cho cả người mua và người bán vì người nuôi khó bán, người dùng lại phải mua giá cao. Do đó, Saigon Co.op muốn vấn đề thông thương được giải quyết để bán nông sản với giá tốt nhất cho người mua”- ông Đỗ Quốc Huy nói.
Theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, Cà Mau là tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm, có 300 nghìn hecta nuôi tôm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỉ USD. Quy hoạch vùng nuôi tôm, các hệ thống, quy trình nuôi được định hướng phát triển trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỉ USD.
Xem thêm: odl.679459-uam-ac-iat-nas-yuht-uahk-taux-ohc-taht-tun-og/et-hnik/nv.gnodoal