Trước ngày áp dụng kế hoạch 11102/KH-UBND về phục hồi kinh tế - xã hội (ngày 20.9), lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, các vấn đề tiêm vaccine cho người lao động; Đi lại của người lao động bằng xe đưa rước hay xe cá nhân; Nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài... là những vấn đề được quan tâm.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nếu doanh nghiệp gặp vướng mắc có thể gọi điện trực tiếp để được hỗ trợ xử lý.
Ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động
Ngày 18.9, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp theo kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh mới công bố.
Theo đó, các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh việc tiêm phủ 100% mũi 1 cho toàn bộ người lao động (NLĐ) để sớm có thể tái sản xuất; Đồng thời, nêu ra nhiều khó khăn liên quan đến việc đi lại của công nhân, nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài…
Ông Lê Quốc Thanh – Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái cho biết: Tập đoàn Phong Thái có 65.000 lao động làm việc ở nhiều công ty con trên địa bàn huyện Trảng Bom và huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên trong suốt 2 tháng qua, công ty này đã phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo duy trì mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ là 4.420.000 đồng/1 NLĐ cho toàn thể NLĐ. Cụ thể, trong thời gian ngừng việc các, công ty của tập đoàn đã chi trả tổng cộng trung bình mỗi tháng là 17 triệu USD (tương đương 388 tỉ đồng).
Hiện, tỉ lệ NLĐ của Tập đoàn được tiêm vaccine còn thấp nên mong tỉnh Đồng Nai sớm hỗ trợ để sớm tiêm phủ vaccine cho công nhân để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Ngoài ra, ông Thanh cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai có giải pháp để hỗ trợ việc đi lại cho công nhân được thông suốt.
Đại diện nhãn hàng Nike tại Việt Nam cũng cho biết: Đồng Nai tập trung rất nhiều đối tác của Nike, hiện nay rất nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do số lao động lớn không thể thực hiện 3 tại chỗ. Việc mở cửa của tỉnh Đồng Nai rất quan trọng không chỉ đối với Đồng Nai mà còn đối với các địa phương khác. Do đó, Nike mong muốn tỉnh Đồng Nai tháo gỡ các rào cản, vướng mắc mà các doanh nghiệp đã phản ánh.
Ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Chiến lược về tiêm chủng vaccine của Đồng Nai là ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp 3 tại chỗ, tiêm phủ rộng dập dịch những nơi nguy cơ và hiện đã tiêm 76% mũi 1 toàn dân trên 18 tuổi. Hiện Đồng Nai đang kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm để Đồng Nai phủ hết 100% mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tiếp tục đến đến tiêm mũi 2. “Chúng tôi cam kết ưu tiên tiêm vaccine đối với công nhân lao động” – ông Dũng cho biết.
Về nội dung thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia nước ngoài, ông Dũng khẳng định “đã xử lý không còn hồ sơ nào trên bàn”. Đồng Nai tiếp tục làm việc với Cục Xuất nhập cảnh để hỗ trợ việc nhập cảnh cho các chuyên gia được nhanh nhất. “Nếu doanh nghiệp có vướng mắc, có thể điện thoại trực tiếp với tôi để xử lý” – ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng khẳng định, Đồng Nai không cản trở việc lưu thông hàng hoá, còn đối với con người thì đã họp thống nhất giữa các địa phương Đông Nam Bộ thành lập tổ công tác để xử lý.
Công nhân đi/về bằng xe cá nhân khó kiểm soát
Đối với kế hoạch 11102 phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Dũng cho biết: Thực tế con số ca mắc COVID-19 ở Đồng Nai vẫn đang đi ngang, Đồng Nai đang phải tiếp tục nỗ lực để giảm dịch bệnh. Hiện, Đồng Nai đang tận dụng tối đa những kết quả chống dịch đã đạt được để các hoạt động sản xuất được hoạt động trở lại ở các vùng xanh.
Về việc đi lại của công nhân, phải đảm bảo an toàn không đưa dịch vào doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn, nếu có điều kiện nên dùng xe để đưa đón công nhân, còn để công nhân đi/về bằng phương tiện cá nhân thì Đồng Nai đang phải tính toán kỹ, vì công nhân đi xe cá nhân sẽ khó kiểm soát. Nếu vô tình đưa dịch bệnh vào nhà máy sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và tai hại cho xã hội.
“Chúng tôi đang xem xét phương án, đối với công ty không đủ khả năng đưa rước công nhân, công nhân sẽ được cấp giấy đi đường, nhưng gắn với cung đường cụ thể từ nhà đến công ty, nếu đi sai cung đường chúng tôi sẽ xử phạt. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ để quản lý, rủi ro vẫn có thể xuất hiện. Vấn đề này chúng tôi tiếp tục bàn bạc với tập thể lãnh đạo tỉnh để ra quyết sách” – ông Dũng cho biết.
Xem thêm: odl.130559-iot-iov-peit-curt-iaoht-neid-cam-gnouv-peihgn-hnaod-ian-gnod-hcit-uhc/et-hnik/nv.gnodoal