vĐồng tin tức tài chính 365

Bạo lực gia đình 'nở rộ' mùa COVID-19

2021-09-19 11:42

Những con số biết nói

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao vì trường hợp một em bé 6 tuổi tử vong nghi do bị bạo hành. Theo báo cáo của UBND Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), trong giờ học trực tuyến tối ngày 16/9, học sinh L.H.A, lớp 1A16, Trường Tiểu học Xuân Đỉnh vắng mặt, giáo viên liên hệ gia đình được báo tin cháu đã tử vong.

Bạo lực gia đình nở rộ mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Một cán bộ phụ nữ ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, An Giang đã dành một phần diện tích trong nhà làm địa chỉ tạm lánh cho những phụ nữ bị bạo lực trên địa bàn

Theo báo cáo trên, khoảng 11 giờ ngày 16/9, học sinh này có bị bố đánh. Đến chiều, H.A vẫn ăn được cháo và uống thuốc. Sau đó, H.A bị nôn nhiều, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác nhận, nạn nhân đã tử vong trước khi đưa vào viện và trên người có dấu hiệu bị bạo hành nên đã báo cơ quan công an.

Bạo lực gia đình tăng lên và nghiêm trọng hơn trong đại dịch COVID-19 là thông tin được nhiều tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực xác nhận. Tư vấn viên Tuyết Anh (CSAGA - Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) cho biết: Từ đầu 2020 đến hết tháng 7/2021 CSAGA đã hỗ trợ 3.487 cuộc tư vấn qua điện thoại và chat, trong đó số cuộc gọi tập trung nhiều nhất vào nhóm những phụ nữ bị bạo lực gia đình, nhóm này đều đặn ở các vùng nông thôn, thành thị.

Địa chỉ "Ngôi Nhà Bình Yên" (Peace House Shelter) - nơi trú ẩn an toàn cho những người bị bạo lực do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý, ghi nhận số phụ nữ tới nhà tạm lánh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018 và 2019. Quản lý của fanpage "Chung tay phòng chống bạo lực gia đình" cho biết: Số lượng người liên lạc, nhắn tin nhờ tư vấn/kêu cứu trong 4 tháng đầu năm 2020 bằng cả năm 2019.

Thạc sĩ giáo dục và phát triển cộng đồng Phan Hà An (TPHCM) cho biết: Cuối tháng 5, khi tình hình COVID-19 đang rất căng thẳng, một bạn học của tôi đột nhiên nhắn tin cầu giúp đỡ. Bạn bị chồng bạo hành, tay phải tổn thương rất nặng gần như không bế được con. Vì chỉ có tôi sống cùng chung cư nên trở thành cọng rơm cứu mạng của bạn. Tôi kiếm cớ đưa thực phẩm lên nhà thì bị chồng bạn chặn ở cửa. Tôi phải nhờ bạn trai lên cùng. Thấy bạn trai tôi cao to, anh chồng hơi sợ. Nhờ thế chúng tôi mới gặp được bạn. Bạn bị đánh rất nặng, và lúc ấy tôi mới biết đây không phải là lần đầu. Tôi đề nghị bạn nên lánh về nhà mẹ đẻ nhưng việc di chuyển lúc này rất khó khăn. Thế là mẹ con bạn tạm lánh ở nhà tôi. Tình hình lúc ấy ngay cả việc giám định thương tật cũng rất khó khăn vì các bệnh viện đều quá tải. Hiện nay bạn tôi đang tiến hành thủ tục ly hôn, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là: 3 năm, suốt 3 năm không người thân, bạn bè nào biết bạn tôi bị bạo hành!

Căn cứ vào trường hợp của bạn mình, thạc sĩ Phan Hà An đã cùng một số cộng sự lập ra nhóm Help (hoạt động độc lập và hoàn toàn miễn phí) chuyên để tư vấn, hỗ trợ những phụ nữ "bị bạo hành trong phòng kín". Chị chia sẻ: "Chỉ trong hai tháng thành lập (trừ tuần đầu chưa có điện thoại nhờ giúp vì mọi người chưa quen), sang tuần thứ hai, trung bình mỗi ngày 6 tư vấn viên phải làm việc 12-14 giờ. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu của họ là những phụ nữ làm việc văn phòng, giáo viên, công chức... Đa số những người này vì sĩ diện mà giấu kín việc bị bạo hành. Người bị bạo hành ngắn nhất là một năm, kéo dài nhất là năm năm, tình trạng bạo hành thân thể nhẹ nhất là bị thương ngoài da, nặng nhất có người từng bị gẫy xương chậu, chấn thương não.

COVID-19 "tiếp tay"

Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động của đại dịch COVID-19 đã cho thấy: cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra. Hơn một nửa phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực trong thời gian COVID-19 không chia sẻ với ai (51,8%); 27,3% báo cáo rằng có kể với anh/chị ruột, theo đó là bạn bè (24,5%) và bố mẹ đẻ (20,9%). Tỷ lệ thấp nhất là nói với lãnh đạo địa phương (4,3%), tổ hoà giải (3,6%) và lãnh đạo về tôn giáo (1,4%). Trong khi đó, các dịch vụ dành cho phụ nữ bị bạo lực còn thiếu thốn và cũng khó tiếp cận đối với phụ nữ.

Tư vấn viên Tuyết Anh (CSAGA) xác nhận: Trong thời gian vừa qua, văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực giới trung tâm CSAGA nhận được rất nhiều cuộc gọi/chat từ khắp cả nước chia sẻ về việc bị bạo lực trong giai đoạn giãn cách xã hội, điển hình các vụ việc đến từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội hoặc ở các khu vực phong tỏa do có ca F0 thì các cuộc gọi thường có yếu tố trầm trọng. Sự căng thẳng khi đối mặt với dịch bệnh cộng với bạo lực gia tăng khiến cho nạn nhân bị rơi vào hoảng loạn sợ hãi và tuyệt vọng vì không biết tìm cách chạy đi đâu, cầu cứu ai.

Chị Tuyết Anh cho biết thêm: Tại thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều cuộc gọi, điển hình có một cuộc gọi của cô gái đang sống cùng bạn trai. Khi bắt đầu áp dụng lệnh giãn cách, cậu bạn trai đã thuyết phục cô gái để qua ở chung cho tiện ăn uống. Tuy nhiên sau đó cậu ta thường xuyên gây bạo lực với bạn gái, ban đầu là chửi bới bắt bạn gái đưa tiền để mình nạp chơi game, khi bạn gái hết tiền cậu ta bắt đầu đánh đập, thậm chí sử dụng cả dây điện để quấn cổ bạn gái, cấm không cho cô gái liên hệ ra ngoài để tìm kiếm trợ giúp. Cô gái đã tìm kiếm được fanpage của CSAGA và các cán bộ tư vấn của CSAGA đã làm việc qua chat vì cả hai đang ở cùng nhà, không thể nói chuyện điện thoại được. Sau các buổi hỗ trợ và kết nối với địa phương, cô gái đã thoát khỏi nhà an toàn và tạm lánh ở một nơi khác chờ hết giãn cách sẽ về nhà bố mẹ.

Trường hợp 2: nạn nhân gọi đến từ một khu chung cư, khi đi làm về muộn đã bị chồng đứng đón ở hành lang để đánh, sáng sớm ngày hôm sau cô lại tiếp tục bị chồng đánh. Cô đã gọi điện cho CSAGA để nhờ giúp đỡ, sau vụ việc CSAGA đã kết nối với bảo vệ chung cư, tuy nhiên do tính chất dịch bệnh nên họ chỉ tới và hỗ trợ đưa cô gái ra khỏi nhà, sau đó cô gái đã được người thân đón về nhà để ở.

Trường hợp thứ 3: nạn nhân bị chồng cầm dao đuổi đòi chém trong thời gian đang giãn cách. Nạn nhân đã ôm con chạy về nhà bố mẹ đẻ cách đó 2km, nhưng người chồng không chấm dứt bạo lực mà còn tìm cách xuống nhà bố mẹ đẻ phá phách đồ đạc, chửi bới gia đình nhà vợ. Nạn nhân thấy nếu mình và con tiếp tục ở nhà bố mẹ thì phiền phức cho gia đình nên ôm con đi tìm nhà trọ. Nạn nhân vừa đến nhà trọ được 2 hôm thì khu trọ bị phong tỏa vì có F0. Hiện tại cả khu trọ đã bị phong tỏa nên người chồng không dám làm gì. Tuy nhiên nạn nhân vẫn không hề hết sợ hãi lo lắng vì ngoài tổn thương về tinh thần còn sợ hãi bị bệnh tật...

Những nạn nhân may mắn được các tư vấn viên đánh số thứ tự là những người ít nhiều đều đã nhận được trợ giúp và trước mắt đang được an toàn. Song, ngoài những số thứ tự ấy, nhiều phụ nữ vẫn đang đơn độc đối mặt với bạo hành, mỗi ngày sống trong sợ hãi và tổn thương (cả thể chất lẫn tinh thần). Họ vốn không biết đi đâu để tìm kiếm trợ giúp.

Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019: cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Cứ 10 phụ nữ thì có hơn một người (11,4 %) đã từng gặp phải một hoặc nhiều loại hình quấy rối hoặc lạm dụng tình dục. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực cao, nhưng chỉ có 4,9% trong số này tìm kiếm sự hỗ trợ từ công an, còn 90,4% phụ nữ bị bạo lực đã không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Hạnh Đỗ

Tiền Phong

Xem thêm: nhc.67043749091901202-91-divoc-aum-or-on-hnid-aig-cul-oab/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bạo lực gia đình 'nở rộ' mùa COVID-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools