Trong suốt thời gian qua, tên của bà Philip đã được đưa vào rồi rút ra và lại thêm vào danh sách chính thức các nạn nhân của vụ 11-9. Thông tin về hoạt động của bà được công bố rồi rút lại, ngay cả ngày tử vong chính thức cũng bị thay đổi. Những mô tả về cuộc đời và tính cách của bà do cảnh sát và gia đình đưa ra khác nhau rõ rệt, như thể đó là 2 con người hoàn toàn tách biệt.
Nói cách khác, kể cả sau 2 thập kỷ, số phận của bà Sneha Philip vẫn hoàn toàn là 1 bí ẩn.
Nữ bác sĩ Sneha Anne Philip, 31 tuổi, dường như có 1 buổi chiều yên bình 1 mình trong căn hộ ở Manhattan vào ngày 10-9-2001. Bà xuất hiện trên máy quay an ninh của 1 cửa hàng bách hóa gần đó khi đi mua đồ lót, váy, tấm trải giường và một vài đôi giày.
Bà Sneha Anne Philip. Ảnh: PA Images
Theo toàn bộ hồ sơ chính thức, đó là tất cả những hình ảnh cuối cùng về bà Philip. Có rất nhiều phiên bản được kể lại về những gì xảy ra sau đó với bà, ví dụ bà đã tận dụng sự hỗn loạn của ngày 11-9-2001 để thoát khỏi cuộc sống ngày càng phức tạp, đã thiệt mạng tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), đã giúp đỡ những người bị thương trong vụ khủng bố hoặc bị sát hại trong đêm 10-9.
Tuy nhiên, không một giả thuyết nêu trên nào được chứng minh dù chỉ bằng những bằng chứng vụn vặt nhất.
Ông Ron Lieberman, chồng của bà Philip, là người đầu tiên báo động về sự mất tích của vợ vào sáng 11-9 (giờ địa phương). Bà không ở nhà khi ông Lieberman đi làm về vào tối hôm trước nhưng đây là điều bình thường vì bà thường đi qua đêm mà không báo cho chồng.
Khi biết tin một chiếc máy bay vừa đâm vào Tháp Bắc của WTC, cách nhà họ khoảng 2 dãy nhà, ông Lieberman liền gọi cho gia đình và bạn bè để hỏi tung tích của bà Philip nhưng không ai có câu trả lời.
Tên của bà Sneha Anne Philip trên bia tưởng niệm các nạn nhân 11-9. Ảnh: PA Images
Tạp chí New York đưa tin bà Philip được liệt kê là 1 trong những nạn nhân của vụ 11-9 và gia đình bà tin chắc bà đã qua đời như 1 anh hùng vào sáng hôm đó. Có thể bà đã nhìn thấy tình trạng hỗn loạn ở hiện trường, vội vã chạy đến hỗ trợ những người bị thương và thiệt mạng khi 2 tòa tháp sập xuống, giống như rất nhiều người khác.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ cuộc sống cá nhân phức tạp của bà Philip trước khi biến mất, cảnh sát cho rằng câu chuyện có thể đi theo 1 chiều hướng khác.
Bà không được gia hạn hợp đồng thực tập tại Trung tâm Y tế Cabrini vì "các vấn đề liên quan đến rượu" và bị đình chỉ công việc mới tại Trung tâm Y tế St. Vincent’s tại quận Staten Island vì không đến gặp người tư vấn về việc lạm dụng chất gây nghiện.
Hồ sơ tòa án chỉ ra rằng cuộc hôn nhân của bà Philip đang gặp rắc rối vì chuyện bà thường xuyên đi qua đêm mà không nói với chồng, đôi lúc còn đưa những người phụ nữ ở quán bar đồng tính nữ về nhà.
Hình ảnh cuối cùng về bà Philip trước khi mất tích. Ảnh: Twitter
Bà Philip cũng gặp nhiều rắc rối về pháp lý. Bà bị bắt và phải ngồi tù một đêm vì đã gửi đơn tố cáo sai sự thật về 1 người đồng nghiệp. Vào sáng 10-9, bà Sneha xuất hiện tại tòa và không nhận tội. Hồ sơ cảnh sát ghi lại rằng bà và chồng đã "cãi nhau rất lớn" tại tòa trước khi bà Philip tức giận bỏ đi.
Liệu mâu thuẫn của họ có tiếp tục và sau đó trở nên mất kiểm soát không? Liệu bà Philip có quyết định từ bỏ mọi chuyện và cố ý biến mất? Liệu có phải bà đã gặp người xấu ở quán bar vào đêm đó? Vì không có bằng chứng cho thấy bà Philip có mặt ở WTC vào ngày 11-9, tất cả những câu hỏi trên đều bị bỏ ngỏ.
Gần như mọi chi tiết do cảnh sát khắc họa về người phụ nữ rắc rối đều bị gia đình bà Philip giận dữ phủ nhận. Ông Lieberman khẳng định họ không hề cãi nhau tại tòa và vợ ông không làm gì mờ ám trong những đêm không về nhà. "Việc chúng tôi không sống như một cặp vợ chồng truyền thống không có nghĩa là có chuyện gì đó" - ông Lieberman trả lời tạp chí New York vào năm 2006.
Gia đình bà Sneha Philip tại bia tưởng niệm. Ảnh: Rediff
Anh trai bà Philip cũng khẳng định thông tin ông từng nhìn thấy bạn gái ông, nay là vợ, quan hệ với bà Philip là do cảnh sát bịa đặt. Gia đình người phụ nữ mất tích tuyên bố bà Philip không bị nghiện rượu nghiêm trọng và đã khỏi bệnh trầm cảm.
Dù vậy, căn cứ vào kết quả điều tra của cảnh sát, thẩm phán đã loại bà Philip khỏi danh sách nạn nhân vụ 11-9-2001 vào năm 2004. "Người phụ nữ đặc biệt này đã mất tích 1 ngày trước đó. Họ không có bằng chứng cho thấy bà ấy còn sống vào ngày 11-9" - trích thông báo của tòa án.
Một năm sau, một thẩm phán của Manhattan ra phán quyết bà Philip chính thức qua đời vào ngày 10-9-2004, như luật tiểu bang quy định, ba năm kể từ khi "biến mất không lý do".
Bà Philip và chồng Ron Lieberman. Ảnh: Daily Mail
Phát biểu gây chú ý của Tổng thống Joe Biden về sự kiện 11-9
Gia đình bà Philip hết sức đau khổ trước phán quyết này. Đối với họ, khả năng duy nhất chấp nhận được là bà Philip đã bất chấp nguy hiểm để cứu những người cần giúp đỡ. Bà Ansu Philip, mẹ của bà Philip, nói với tạp chí New York: "Tôi cảm thấy an lòng hơn khi nghĩ rằng con bé qua đời ở WTC. Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ nó bị ai đó sát hại".
Việc bà Philip bị loại khỏi danh sách các nạn nhân vụ 11-9-2001 càng khiến mất mát của gia đình sâu sắc hơn. Những năm sau đó, họ đã đấu tranh gay gắt để đảo ngược phán quyết. Và đến năm 2008, một tòa phúc thẩm đã đáp ứng nguyện vọng của gia đình bà Philip.
Là nạn nhân thứ 2.751 trong vụ khủng bố 11-9, tên của bà Philip được khắc lên bia tưởng niệm và điều này đã giúp xoa dịu nỗi đau của gia đình.
Đối với những người còn thắc mắc về vụ án, có thể có rất ít bằng chứng cho thấy bà Sneha đã ở gần WTC vào ngày hôm đó nhưng điều tương tự cũng xảy ra với bất kỳ giả thuyết nào khác.
Thi thể của bà chưa bao giờ được tìm thấy để chứng minh giả thuyết gặp tai nạn hay bị sát hại. Hộ chiếu, thẻ tín dụng vẫn còn nguyên trong căn hộ, cho thấy bà không có kế hoạch bỏ đi.
Ông Lieberman đã cố gắng không ngừng nghỉ để tìm vợ, thậm chí thuê cả một thám tử tư. Về những vấn đề liên quan tới cuộc sống cá nhân của vợ, ông cho biết: "Cho dù cô ấy có làm những việc đó, nó không lý giải được điều đã xảy ra".
Tờ rơi về vụ mất tích của bà Sneha Philip . Ảnh: Thinking Sideways
Sau 1 khoảng thời gian quá lâu, dường như bí ẩn này sẽ không bao giờ được giải đáp. Nhưng chỉ vài tuần trước lễ tưởng niệm 20 năm sự kiện 11-9 và vụ biến mất của bà Sneha, tia hy vọng mới đã xuất hiện.
Tờ New York Times đưa tin văn phòng giám định y khoa của TP New York đã được phê duyệt sử dụng công nghệ ADN mới để kiểm tra các bộ phận cơ thể được thu thập từ WTC. Những bộ phận này thuộc về 1.100 nạn nhân chưa được xác định danh tính. Các nhà khoa học pháp y đang kiểm tra hàng ngàn mảnh xương nhỏ để cố gắng đưa họ về với người thân, bao gồm trường hợp bà Sneha Philip, nếu có thể.
Bảo Hạnh
NLĐ
Xem thêm: nhc.51572859091901202-1002-9-11-yagn-gnort-un-uhp-iougn-auc-ion-iaig-yl-gnohk-hcit-tam-uv/nv.zibefac