Gần đến cuối tháng 9 nhưng lũ vẫn chưa về khiến nước trên những cánh đồng lúa hè thu ở miền Tây chỉ mới tráng nền ruộng. Lúa được thu hoạch sớm cộng với việc nước lũ về chậm giúp cho lúa tái sinh (lúa chét) tẻ nhánh, phát triển tốt. Đây cũng là thời điểm nông dân chuyển sang nhiều cách làm khác để kiếm thu nhập.
Cánh đồng lúa chét vàng ươm đang chuẩn bị cho thu hoạch
Dọc theo cánh đồng thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang có khoảng chục hộ cắm bảng báo phần diện tích lúa chét đã chăm sóc. Đang cặm cụi cắm bảng, ông Lê Văn Khiêm nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm 50 công lúa chét của mình.
Những nông dân cùng ông Khiêm và máy cắt lúa chét chuẩn bị thu hoạch
Nhìn lúa chét đang trổ bông, ông Khiêm nói: "Thời điểm này mọi năm, nước đã mấp mé chân ruộng, mình đã cho máy cày vào trục phần đất này rồi. Năm nay, nước chậm vô đồng nên tận dụng để lúa chét lại thu hoạch kiếm thêm. Nhiều hộ xung quanh mình đã thu hoạch được 8- 9 giạ/công".
Cận cảnh gốc lúa chét tươi tốt theo hàng của ông Ẩn
Còn tại cánh đồng huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nông dân Lê Văn Ẩn vừa thu hoạch xong khoảng 20 công lúa chét. Lão nông này tỏ ra phấn khởi, nói: "Tôi cấy lúa hè thu theo hàng đều nên lúa chét phát triển tốt. Chỉ cần bón thêm đợt phân là thu hoạch về 80 giạ lúa/ha, giúp gia đình tôi có thêm khoảng thu nhập kha khá".
Cánh đồng lúa chét của ông Ẩn sau khi được chăm sóc chuẩn bị thu hoạch
Anh Ngô Minh Phúc là người chuyên đi mót lúa chét, tiết lộ: "Lúa chét năm nay trúng lắm. Mọi năm, giờ này nước lên cao nên vợ chồng tôi chỉ đi cắt cỏ bán cho người ta nuôi bò. Năm nay, nhờ cắt lúa chét kiếm tiền nhiều hơn, mỗi ngày được khoảng 60kg".
Nhóm thanh niên đang vui mừng bắt được chuột đồng trên bờ đê
Chuột đồng hiện nay được coi là đặc sản. Vì vậy, nước mới mấp mé bờ, bà con ở miền Tây tổ chức săn chuột đồng rất thú vị. Anh Đỗ Văn Hoài cùng một nhóm chuyên đào hang bắt chuột tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết mỗi ngày bắt trên 20 kg chuột. Với cách làm này, ngoài kiếm thêm thu nhập, thợ săn chuột đồng còn giúp nhà nông diệt bớt "giặc chuột" phá hoại mùa màng.
Anh Lê Minh Toàn đang quăng chài để bắt cá
Cũng theo con nước lũ về muộn, người dân huyện đầu nguồn 2 An Phú và Tân Châu của tỉnh An Giang tận dụng nghề chài lưới, đặt dớn bắt cá. Đưa 2 tay quăng chiếc chài tròn vo trên không trung trước khi nó rơi xuống nước, anh Lê Minh Toàn - người chuyên bắt cá trắng ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú - bộc bạch: "Năm nay lũ về muộn nên phải tranh thủ canh nước mới bắt nhiều cá tôm, kiếm sống được".
Anh Lâm cùng các thành viên trong gia đình chèo xuồng đi đặt dớn
Những dụng cụ của dớn được gia đình anh Lâm phối hợp để đặt
Có kinh nghiệm nghề đặt dớn trên 20 năm ở thị xã Tân Châu, anh Trần Tiến Lâm cho biết nước năm nay không cao nhưng cũng vừa đặt được dớn, mỗi ngày kiếm được 5-7kg cá đủ cỡ, ra chợ bán với giá 80.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng được 200.000 đồng/ngày. "Lũ về muộn, người dân có thể bị thất thu nguồn lợi thủy sản.
Thành quả sau một ngày đêm đặt dớn
Tuy vậy, mình cứ thuận theo tự nhiên bằng cách canh con nước mà mưu sinh. Có thể năm nay lượng cá, tôm ít nhưng nếu biết cách đánh bắt cũng giúp người dân có thêm thu nhập. Tôi mong lũ lên nhanh để đồng ruộng có phù sa, lượng tôm cá về nhiều" - anh Lâm tâm sự.