Tuy nhiên, áp lực trong năm sau cũng trở nên ngày càng rõ ràng hơn trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn FDI chảy vào chậm lại.
Tiền đồng sẽ mạnh lên
Trao đổi với PV mới đây, đại diện khối nghiên cứu của HSBC Việt Nam đánh giá tiền đồng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá vào cuối năm nay. Theo đó, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ giảm từ 22.750 vào cuối quý 3 xuống mức 22.525 vào cuối năm 2021.
Tương tự, báo cáo của của Công ty chứng khoán VCBS cũng cho rằng tiền đồng có xu hướng mạnh lên so với đồng đô la, với mức biến động không quá 2% trong năm nay.
Tại thời điểm đầu tháng 9, tỷ giá này giao dịch quanh mốc 22.760 - 22.770, đồng thời là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Tính riêng từ đầu năm 2021, tiền đồng đã tăng giá khoảng 1,47% so với đồng bạc xanh.
Theo đánh giá của HSBC Việt Nam, tiền đồng là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với đô la từ đầu năm đến nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, tính từ tháng 6, NHNN đã giảm giá mua vào tổng cộng 375 đồng, xuống mốc 22.750. Còn tính từ tháng 11/2019, mức giảm tổng cộng là 450 đồng sau sáu lần điều chỉnh.
“Xu hướng này cũng được cho là đi ngược với những năm trước đó khi tiền đồng thường xuyên trượt giá so với đồng đô la Mỹ. Mức độ cắt giảm cho đến nay cũng được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, tiếp tục thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN”, đại diện HSBC Việt Nam đánh giá.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong tháng 8 vừa qua là Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá niêm yết mua vào đồng đô la về 22.750 đồng, tức giảm khoảng 80 - 100 đồng nếu dựa mức giá chiết khấu mua kỳ hạn.
Đồng thời, NHNN cũng đổi phương thức mua giao kỳ hạn 6 tháng, về phương thức mua giao ngay. Phương án này được đánh giá là tạo nguồn cung mới và tức thời cho thị trường.
Sau lần điều chỉnh vào giữa tháng 8 vừa qua, tỷ giá tiếp tục xu hướng giảm cho đến nay. Tính riêng trong tháng 8, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm khoảng 150 - 170 đồng so với thời điểm cuối tháng 7.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tỷ giá trên thị trường tự do dường như thay đổi ngược chiều với tỷ giá niêm yết.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI cập nhật trong tuần trước, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm nhẹ 10 đồng trên mỗi đô la ở cả hai chiều, giao dịch ở mức 22.640/22.870. Còn trên thị trường tự do, tỷ giá tự do tăng mạnh 130 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, kết tuần ở 23.080/23.150.
Giải thích cho sự khác biệt ở hai thị trường, SSI cho rằng một trong những lý do là vì sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng lên gần 8 triệu đồng/lượng trong tuần qua, trong khi giá vàng trong nước không điều chỉnh giảm tương ứng với mức giảm của giá vàng thế giới, theo đánh giá của SSI.
Áp lực năm 2022
Khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC kỳ vọng NHNN có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách điều hành tỷ giá như trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong năm 2022 tỷ giá sẽ đảo chiều quay về mức 23.000, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, dòng vốn FDI chảy vào chậm lại.
“Tiền đồng có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế và đồng nhân dân tệ suy yếu hơn”, HSBC Việt Nam đánh giá.
Theo phân tích, tiền đồng đã đối mặt và vượt qua nhiều yếu tố bất lợi trong năm nay, như lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Fed. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên “nổi cộm” hơn vào năm sau.
Quan ngại chủ yếu nằm ở nguồn cung đô la Mỹ. Thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam thu hẹp xuống còn 0,4 tỷ đô la trong quý 1, từ mức trung bình hơn 3 tỷ đô la mỗi quý trong giai đoạn 2019 - 2020, và có khả năng thâm hụt nhẹ trong quý 2.
Sự suy giảm này còn có thể tăng tốc trong tương lai khi cán cân thương mại thâm hụt 1,3 tỷ đô la mỗi tháng kể từ tháng 4, cộng với đó là sự sụt giảm từ thâm hụt dịch vụ, chủ yếu do du lịch không còn hoạt động.
Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh hạ dự báo tăng trưởng GDP, dòng vốn gián tiếp đầu tư cũng ở vị thế bán ròng hơn 1,5 tỷ đô la trong giai đoạn quý 1/2020 đến quý 1/2021.
Đồng thời, các khoản đầu tư FDI từ trước đến nay là nguồn chính của dòng vốn ngoại hối (khoảng 5,9% GDP) nhưng cũng hiện chậm lại trong thời gian gần đây./.
Xem thêm: lmth.23860000042210202-yan-man-gnort-nel-hnam-oab-ud-coud-gnod-neit/nv.semitaer