Mấy ngày qua, dư luận cả trong và ngoài nước đều lên tiếng than phiền về chất lượng mặt sân Mỹ Đình quá xấu đã ảnh hưởng nhiều đến yếu tố kỹ thuật trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Úc. Người ngoài chế giễu gọi sân Mỹ Đình như “bãi cỏ cho bò ăn”, còn giới chuyên môn trong nhà thì cho rằng mặt cỏ quá xấu làm Quang Hải mất bàn thắng.
Thật lạ lùng, ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia, vẫn cứ tranh cãi chất lượng sân cỏ Mỹ Đình tốt hơn tỉ lần các sân khác ở Đông Nam Á, dù vẫn thừa nhận đã hơn 10 năm chưa thay cỏ. Pha lội ngược dòng của ông Hổ khiến cho CLB Hải Phòng khó chịu, gửi hẳn đơn xin VFF đưa các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên sân nhà về Lạch Tray. Lý do chính đáng phía Hải Phòng đề nghị là sân Mỹ Đình xấu xí làm ảnh hưởng đến chuyên môn của các đội bóng và quan trọng hơn là mất hình ảnh sân cỏ quốc gia, trong khi mặt cỏ sân Hải Phòng thì đủ chuẩn quốc tế..
Phía CLB Hải Phòng còn không giấu giếm đưa ra con số sửa sân Lạch Tray chỉ tốn khoảng 65 tỉ đồng là có ngay mặt cỏ, ánh sáng tiêu chuẩn quốc tế, các phòng chức năng phục vụ trận đấu như phòng VAR, hay năng lực y tế, an ninh...
Nhờ phát pháo của CLB Hải Phòng mà mới đây ban tổ chức sân Mỹ Đình mừng rỡ, thông báo sẽ làm lại mặt cỏ, sửa sang các phòng chức năng, khán đài... để tiếp tục đăng cai các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Trong khi phía Úc châm biếm nói sân Mỹ Đình như “bãi cỏ cho bò ăn” thì giới chuyên môn trong nước tiếc vì nếu mặt sân Mỹ Đình tốt thì có thể cú sút của Quang Hải đã không lên trời. Ảnh: HẢI THỊNH
Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Úc vừa qua, sân Mỹ Đình chỉ có hơn một tháng để chuẩn bị trong khi đã khá lâu sân Mỹ Đình chưa tổ chức giải đấu nào phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chính vì thế, mặt sân cỏ Mỹ Đình không đảm bảo chất lượng như mong muốn, đã phần nào ảnh hưởng đến cuộc chơi.
Đến lúc này thì Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Nguyễn Trọng Hổ cho biết Khu liên hợp thể thao quốc gia đã mời các kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia về cỏ và mặt sân đến xem xét lại thực trạng và tìm các biện pháp để cải thiện mặt sân vận động Mỹ Đình. Theo các chuyên gia, do mặt sân đã làm lại cách đây khoảng 11 năm và trong suốt gần hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên sân gần như bỏ trống, không tổ chức các trận đấu bóng đá nào. Do đó, công tác chăm sóc cỏ và bảo trì dù vẫn được tiến hành nhưng mặt sân vẫn cứng và xốp, không thể bằng giai đoạn chăm sóc đặc biệt khi có các trận đấu liên tục diễn ra tại đây.
Hai tháng sửa sân Mỹ Đình Ông Nguyễn Trọng Hổ tiết lộ việc sửa sân Mỹ Đình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của khu liên hợp nên sẽ nỗ lực hết sức. Sắp tới, đội tuyển Việt Nam làm khách Trung Quốc và Oman vào đầu tháng 10 nên sân Mỹ Đình có hai tháng trống trải để chuẩn bị cho các trận đấu vào tháng 11. Khi đó, mặt sân Mỹ Đình sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu AFC đặt ra. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành cải tạo, nâng cấp các phòng chức năng như phòng thay đồ, phòng trọng tài, truyền thông... đảm bảo đúng theo các tiêu chuẩn của AFC yêu cầu. Do sân Mỹ Đình đã xây dựng gần 20 năm, khi đó công nghệ VAR chưa được áp dụng nên phòng riêng dành cho VAR chưa có. Chính vì vậy, ở các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại cuối cùng World Cup 2022, Khu liên hợp thể thao quốc gia đã bố trí tạm phòng chức năng để lắp đặt các thiết bị phục vụ công nghệ VAR. TT |