Mười năm trước, bệnh cơ gia cầm, còn được gọi là bệnh sọc trắng, hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, một nghiên cứu mà Liên đoàn Nhân đạo dự kiến công bố ngày 20/9 cho thấy 99% số gà thương hiệu Mỹ mắc căn bệnh này.
Liên đoàn Nhân đạo là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của động vật. Điều tra mà họ tiến hành ở 29 bang của Mỹ với mẫu là thịt gà được bán trong các siêu thị, cửa hàng. Theo đó, căn bệnh này xuất phát từ điều kiện chăn nuôi khắc nghiệt trong các nhà máy, khiến một chú gà con biến thành gà thịt chỉ trong vòng vài tuần. Cách thức "vỗ béo" này gây căng thẳng quá mức về thể chất của chúng.
Tên của căn bệnh này được đặt theo triệu chứng mà mắt thường có thể nhìn thấy. Những con gà bị bệnh sẽ xuất hiện các sọc trắng mỏng trên bề mặt thịt. Khi gà bị vỗ béo quá nhanh, chúng không thể chịu đựng được trọng lượng cơ thể của chính mình. Bệnh khiến một số mô cơ của gà được thay bằng mỡ.
Chăn nuôi trong nhà máy đang làm tăng trọng lượng của những con gà.
Kết quả cho thấy gà mắc bệnh sọc trắng có hàm lượng mỡ cao hơn 224% so với gà không mắc bệnh. Căn bệnh này cũng làm giảm 9% hàm lượng protein của thịt. Tuy nhiên, thịt gà mắc bệnh không có bất cứ mùi vị gì khác so với thịt gà bình thường.
Trong số 16 chuỗi siêu thị mà tổ chức này khảo sát, Walmart Inc., BJ’s Wholesale Club Holdings Inc. và Meijer Inc. là những nơi có lượng gà mắc bệnh sọc trắng nghiêm trọng nhất.
Nghiên cứu này tiếp tục làm dấy lên những tranh cãi từ lâu của các nhà chăn nuôi về những tác động bất lợi trong việc vỗ béo gà. Trước đó, năm 2016, những mâu thuẫn cũng đã bùng lên với những con gà mà thịt của chúng xuất hiện hình dạng như "vân gỗ". Kể từ đó, các nhà chăn nuôi đã cam kết giảm trọng lượng trung bình của gà thịt nhưng vấn đề vỗ béo có rất ít thay đổi.
Michael Windsor, người đứng đầu dự án nghiên cứu của Liên đoàn Nhân đạo, nói rằng: "Người tiêu dùng thực sự không có lựa chọn nào khác ở thời điểm hiện tại. Điều này thật khó chịu. Ngay cả khi bạn muốn tránh gà sọc trắng, bạn cũng không thể làm được bởi đó là thứ gà duy nhất mà họ bán".
Mỹ là quốc gia có ngành công nghiệp chăn nuôi phát triển bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn gà của Mỹ sống trong các trang trại kiểu nhà máy khép kín. Những chú gà thường chỉ 2 lần được nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong đời. Đó là khi được đưa từ trại ấp tới trang trại và từ trang trại tới nơi giết thịt.
Một nghiên cứu cho thấy, gà thịt được lai tạo để lớn nhanh hơn nhiều lần so với tổ tiên của chúng. Trong 50 năm qua, tốc độ tăng trưởng hàng ngày của gà thịt đã tăng từ 300 đến 400%. Khi mới chỉ 37 ngày tuổi, những chú gà non đã có kích thước của gà thịt và chính điều này khiến xương của chúng bị tổn thương. Đó là lý do nhiều con gà thậm chí khó có thể đi lại hoặc di chuyển hạn chế, ăn và chờ bị giết thịt.
Thậm chí, với sự ưa chuộng thịt ức, gà cũng được lai tạo để chúng có bộ ngực phát triển hơn. Điều này khiến nhiều con đi siêu vẹo hoặc thường xuyên áp ngực xuống sàn chuồng nuôi. Sức khỏe của những sinh vật này cũng rất kém nhưng rõ ràng, chúng không được lai tạo, nuôi nhốt để sống lâu. Thay vào đó, vòng đời ngắn, trọng lượng tăng nhanh khiến chúng sinh lời cho ngành công nghiệp này.