Hang Seng Index giảm mạnh
Vào lúc 13h39 theo giờ Hà Nội, Hang Seng Index giảm 960 điểm xuống còn 23.964 điểm, tương đương mức giảm gần 4%. Tuy nhiên, đây chưa phải mức thấp nhất trong phiên giao dịch ngày 20/9.
Vào lúc 11h45 theo giờ Hà Nội, Hang Seng Index giảm xuống còn 23.582,03 điểm, tương đương mức giảm 1.338,72 điểm. Sau cú rơi thẳng đứng, chỉ số này phục hồi trở lại trước khi tiếp tục giảm điểm.
Investing cho biết, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sẽ đóng cửa trong ngày 20 và 21/9. Thị trường này sẽ giao dịch trở lại vào ngày 22/9, ngay sau Tết Trung thu. Chình vì vậy, chưa thể xác định tác động với thị trường chứng khoán Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, cổ phiếu của China Evergrande Group tiếp tục giảm mạnh lên tới gần 15%. Suốt tuần qua, nguy cơ vỡ nợ của Evargrande đang ngày càng hiện hữu khi công ty này phải gánh khoản nợ lên tới 300 tỷ USD. Người ta lo ngại cú sập của tập đoàn bất động sản này có thể kéo theo những hệ lụy với nền kinh tế Trung Quốc.
Vì sao quả bom nợ Evergrande có thể tác động mạnh tới thị trường?
Theo các chuyên gia phân tích, quả bom nợ Evergrande đang là rủi ro hàng đầu với nền kinh tế Trung Quốc. Tập đoàn này đang nợ khoảng 300 tỷ USD trong khi GDP Trung Quốc năm 2020 là 15.000 tỷ USD.
Sau nhiều năm phát triển "thần tốc", Evergrande đã mạnh tay vay tiền để đầu tư cho hàng loạt các lĩnh vực khác nhau bên cạnh bất động sản. Trong khi đó, doanh số bán nhà của công ty đang tiếp tục giảm, khiến họ cạn kiện nguồn tiền để trả các khoản nợ đã và sắp tới hạn. Ngày 23/9 tới, Evergrande sẽ phải thanh toán khoản lãi liên quan tới 2 trái phiếu, điều đang được cả thị trường theo dõi chặt chẽ.
Cú sập kéo dài của cổ phiếu Evergrande.
Trên thực tế, việc Evergrande có phá sản hay không tác động rất nhiều tới nền kinh tế Trung Quốc chứ không chỉ các nhà đầu tư. Tập đoàn này hiện đang sở hữu 1.300 dự án bất động sản tại 280 thành phố tại Trung Quốc. Ngoài bất động sản, công ty này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như ô tô điện, dịch vụ y tế, tiêu dùng, và lĩnh vực liên quan tới giải trí, truyền hình. Doanh nghiệp này mô tả có 200.000 nhân viên và tạo ra 3,8 triệu việc làm mỗi năm.
Chính bởi múc độ bao phủ lớn của mình, việc Evergrande sụp đổ sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn. Các ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà tới người lao động đều có thể phải chịu tác động nặng nề từ quả bom nợ này. Đây sẽ không chỉ là một vụ vỡ nợ riêng lẻ mà có thể là những vụ "vỡ nợ chéo", dẫn tới ảnh hưởng lan rộng.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings Inc. cũng cảnh báo việc Evergrande vỡ nợ có thể tác động lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Theo các nguồn tin, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã cung cấp cho Evergrande khoản vay trị giá 572 tỷ Nhân dân tệ (88,8 tỷ USD). Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì các nhà cung cấp của Evergrande, những người đang bị nợ 667 tỷ Nhân dân tệ (103 tỷ USD) tiền hàng hóa và dịch vụ, có thể cũng vay ngân hàng.
Thiếu vốn, người mua - vón đã nộp phần lớn số tiền cho Evergrande, cũng không có cơ hội được nhận nhà khi các công trình này dang dở.
Với những tác động sâu, rộng, không ít người cho rằng Evergrande quá lớn để sụp đổ. Cùng với đó là những hy vọng Trung Quốc sẽ cứu tập đoàn này. Tuy nhiên, điều đó có thể không còn đúng khi nhà chức trách Trung Quốc đang dần thay đổi các chính sách của nước này, nhất là khi nhiều tập đoàn lớn đã không được cứu.