16 ngân hàng này chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế, từ giữa tháng 7, theo kêu gọi của Hiệp hội ngân hàng, đã đồng thuận giảm thêm lãi suất cho vay lên đến 1% một năm trên dư nợ hiện hữu trong 5 tháng cuối năm.
Số tiền mà 16 nhà băng cam kết giảm, ước tính khoảng 20.600 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng này trên thực tế đã giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng, đạt 43% so với mức cam kết này.
Ngoại trừ các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank giảm đồng loạt, phần lớn nhà băng còn lại chỉ áp dụng cho những người vay bị ảnh hưởng nặng bởi dịch, không áp dụng cho tất cả khách hàng.
Mặt bằng lãi suất hiện nay theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đã giảm 0,55% trong nửa năm nay. Nếu so với trước dịch, lãi suất cho vay giảm trung bình 1,55%. Luỹ kế từ đầu năm ngoái đến hết tháng 8, việc miễn giảm lãi suất áp dụng cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi miễn, giảm mà các nhà băng "hy sinh" cho khách hàng là 26.000 tỷ đồng.
Cập nhật thêm về tình hình tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến hết tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 7,4% so với đầu năm.
Tại cuối tháng 8, các ngân hàng đã cơ cấu lại hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 215.300 khách hàng với dư nợ 227.000 tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/1 năm ngoái là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đến ngày 10/9, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 367 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Sau hơn 2 tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội duyệt cho vay gần 750 người sử dụng lao động với số tiền chưa đến 400 tỷ đồng để trả lương cho 112.400 người lao động.
Quỳnh Trang