Kiến nghị này được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ cao và cụm công nghiệp ngày 20/9. Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị này.
Theo báo cáo này, bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sáng kiến đã được triển khai tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao... để duy trì sản xuất, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới như "3 tại chỗ" , "1 cung đường, 2 điểm đến"...
Song Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, việc duy trì "3 tại chỗ" khiến đa phần các doanh nghiệp áp dụng mô hình này gặp khó khăn vì "đội" thêm nhiều chi phí.
Theo bộ này, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, trong khi chi phí trang trải phòng, chống dịch và duy trì sản xuất không nhỏ.
Phản ánh của doanh nghiệp cũng cho thấy yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu theo quy định cho người lao động rất khó áp dụng, chi phí thực hiện (hoán cải công năng của các khu vực khác nhau thành chỗ ở tạm) rất cao. Môi trường cách ly tại chỗ nhiều nơi không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Những bất cập của sản xuất "3 tại chỗ" từng được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp "kêu" rất nhiều sau một thời gian áp dụng. Chẳng hạn với ngành thuỷ sản, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), chỉ khoảng 30% doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản duy trì được "3 tại chỗ". Tương tự, số doanh nghiệp ngành da giày, dệt may duy trì được sản xuất "3 tại chỗ" cũng dao động 30-40%.
Bộ Công Thương cũng từng kiến nghị Chính phủ giải pháp gỡ khó cho "3 tại chỗ". Tháng trước, các hiệp hội doanh nghiệp từng đề xuất Chính phủ không duy trì "3 tại chỗ" mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngoài thu hút đầu tư vào khu công nghiệp bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.
Dịch cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nên nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Trong khi đó, đây đều là các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may...
Mặt khác, hướng dẫn các chính sách phòng, chống Covid-19 tại các địa phương không thống nhất khiến ách tắc lưu thông hàng hoá, di chuyển của người lao động. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị các địa phương không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc.
Các doanh nghiệp cũng muốn được phân bổ và đẩy nhanh tiêm đủ liều vaccine cho toàn bộ người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp để có cơ sở duy trì trạng thái sản xuất bình thường mới. Doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn như miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập các nhân, thuế VAT; nguồn vốn.
Tám tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách khoảng 96.500 tỷ đồng.
Hiện cả nước có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Cạnh đó, có 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập.
Việt Nam có 3 khu công nghệ cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.
730 cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút khoảng 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy bình quân 63%...
Anh Minh