Hàng loạt máy bay "đắp chiếu" là cảnh tượng đau lòng tại các sân bay trong các đợt dịch COVID-19 - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chiều 20-9, ông Nguyễn Tuấn Anh - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết ngành ngân hàng đang tính đến cho vay các hãng hàng không tư nhân.
Ông Tuấn Anh thông tin từ nay đến đầu năm sau, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm… với thời hạn và lãi vay hợp lý.
Đặc biệt, ngành ngân hàng đang tính toán cơ chế hỗ trợ riêng đối với một số lĩnh vực đặc thù như đối với các hãng hàng không tư nhân.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng để các ngân hàng thương mại cho Vietnam Airlines vay với lãi suất 0%/năm.
"Sau khi hỗ trợ đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, ngành ngân hàng cũng đang xem xét cho vay với các hãng bay tư nhân. Dù từ năm 2020, do bị thiệt hại nặng nề của đại dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các hãng hàng không rồi" - ông Tuấn Anh chia sẻ.
Về miễn, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo ông Tuấn Anh, tính đến ngày 31-8, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23-1-2020 (thời điểm dịch COVID-19 bùng phát - PV) đến nay đạt 4,46 triệu tỉ đồng cho 628.662 khách hàng.
Lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến 31-8 năm nay, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng khoảng 26.000 tỉ đồng, trong đó tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng kể từ ngày 15-7 đến hết tháng 8 là 8.865 tỉ đồng.
Còn về cơ cấu thời hạn trả nợ cho khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, tính đến ngày 31-8, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23-1-2020 là khoảng 520.000 tỉ đồng.
392 tỉ đồng đã được giải ngân để trả lương cho người lao động
Ngân hàng Nhà nước cho biết sau hơn 2 tháng triển khai gói tín dụng ưu đãi 7.500 tỉ đồng, tính đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 382 tỉ đồng cho 730 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 địa phương.
Đây là thực hiện quyết định 23 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.
TTO - TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định như vậy và đề nghị các hãng hàng không phải bàn với nhau để có giải pháp căn cơ trình lên Thủ tướng thay vì giải pháp ăn đong...
Xem thêm: mth.66755117102901202-nahn-ut-yab-gnah-cac-ort-oh-hnit-gnad-gnah-nagn-ioig/nv.ertiout