Chip thật, chính hãng (bên trên) có một chấm tròn nhỏ để hướng dẫn chiều lắp ráp, trong khi chip giả (bên dưới) không có, chữ in cũng nhòe hơn hàng thật - Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia
Ông Junichi Fujioka, giám đốc điều hành của nhà sản xuất điện tử Nhật Bản Jenesis, là một trong những nạn nhân của chip kém chất lượng, theo tờ Nikkei Asia.
Không thể tìm mua chip xử lý từ các nguồn thông thường, công ty có nhà máy đặt tại miền nam Trung Quốc này đã thử đặt hàng qua nền tảng thương mại Alibaba. Tuy nhiên, khi lắp những con chip này vào, thiết bị vẫn trơ trơ như không có chip.
Ngạc nhiên và nghi ngờ về chất lượng, công ty nhờ một chuyên gia độc lập kiểm tra. Kết quả cho thấy thông số kỹ thuật của những con chip này khác hoàn toàn loại công ty đã đặt hàng.
Jenesis đã cố gắng gọi nhà cung cấp, nhưng đơn vị này đã cắt đứt liên lạc sau khi nhận tiền trả trước từ công ty Nhật.
Câu chuyện của Jenesis là một lời cảnh giác với những nhà sản xuất điện tử đang bị dụ dỗ mua "chip đang phân phối" (chips in distribution).
Theo Nikkei Asia, thuật ngữ này dùng để chỉ các chip tồn kho, không được nhà sản xuất chip hoặc các công ty được ủy quyền bán. Giới trong ngành cho biết loại chip này đương nhiên không được bảo hành chính hãng và dễ bị trộn hàng giả, hàng kém chất lượng.
"Chip đang phân phối" còn có thể là chip được lấy từ thiết bị điện tử bị vứt bỏ, những con chip không đạt chuẩn và lẽ ra phải bị thải bỏ, được phù phép, khoác lên diện mạo như những con chip mới hoặc đổi thân phận thành những dòng chip khác.
Tình trạng chip giả ngày càng nhiều dẫn tới một nghề mới: thẩm định chip.
Oki Engineering, một công ty con của Oki Electric Industry, là một trong những công ty như vậy. Nhiệm vụ của họ là phát hiện chip bị lỗi và loại bỏ chúng trước khi nhà sản xuất lắp vào thiết bị.
Khoảng 20 kỹ sư Oki Engineering tại Tokyo (Nhật Bản) đang chạy đua kiểm tra các chip được gởi đến. Họ sử dụng tia laser, kính hiển vi, tia X và các thiết bị khác để kiểm tra các dấu vết vật lý trên con chip.
"Rất nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử mong muốn loại bỏ những khiếm khuyết từ trong trứng nước bằng việc kiểm tra trước", ông Masaaki Hashimoto - chủ tịch Công ty Oki Engineering - nói với Nikkei Asia.
Một kỹ sư của Oki Engineering kiểm tra nguồn gốc chip theo yêu cầu - Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia
Công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ kiểm tra chip vào tháng 6 và nhận được 150 đơn hàng vào tháng 8 rồi, phần lớn đến từ các nhà sản xuất máy móc công nghiệp và thiết bị y tế.
Sau khi kiểm tra 70 đơn hàng, các kỹ sư Oki Engineering phát hiện chip có vấn đề chiếm tới 30% tổng số lượng.
TMSC, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Đài Loan, dự báo tình trạng thiếu chip sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khoảng năm 2023, đồng nghĩa các nhà sản xuất thiết bị điện tử cần cảnh giác thêm ít nhất 2 năm nữa.
Tình trạng thiếu chip manh nha vào mùa thu năm 2020, sau khi Bộ Thương mại Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sử dụng công nghệ Mỹ cho Huawei.
Điều này đã thúc đẩy gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc tích trữ chip càng nhiều càng tốt, làm căng thẳng chuỗi cung ứng thông thường. Tình trạng này cũng tạo điều kiện cho các nhà cung cấp chip không rõ nguồn gốc chen chân vào chuỗi cung ứng.
Ngoài căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhu cầu chip tăng cao còn do một số yếu tố khác, chẳng hạn nhu cầu laptop và thiết bị điện tử bùng nổ trong giai đoạn các nước giãn cách, phong tỏa vì dịch COVID-19 khiến người dân ở nhà làm việc nhiều hơn.
Một số tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới đang tự phát triển chất bán dẫn của riêng mình.