Ngoại trừ những doanh nhân khởi nghiệp và thành công từ ngày trẻ, hầu hết trong sự nghiệp của mỗi người đều có ít nhất một lần đi xin việc và phải chuẩn bị CV, đơn xin việc.
Tuy nhiên, ở cương vị nhà tuyển dụng, Phó chủ tịch Cenland – Phạm Thanh Hưng từng có chia sẻ bất ngờ: "Điều đầu tiên tôi xin các bạn bỏ chữ XIN trong Đơn Xin việc".
Cụ thể, trong toạ đàm "Làm thuê hay khởi nghiệp kinh doanh" diễn ra vào năm 2020, Shark Hưng bày tỏ: "Đừng bao giờ nói đi "xin" việc làm. Tôi chả có gì để CHO các bạn cả. Các bạn đi bán cái các bạn có và tôi là người mua cái các bạn chào. Vì thế trong tuyển dụng, hãy nói về việc các bạn có gì để bán. Sức lao động? Là thứ rẻ nhất rồi. Thời gian? Rất công bằng, Chúa ban cho chúng ta 24 giờ 1 ngày, không ai có nhiều hơn ai. Cái khác nhau ở chỗ: Với sức khỏe đó, với thời gian đó, các bạn tạo ra bao nhiêu giá trị.
Nếu chỉ bán thời gian và sức khỏe thì các bạn không được giá lắm đâu. Chỉ bán sức lao động thuần túy thì giá không cao. Các bạn phải có thêm tri thức, kinh nghiệm, có thêm sự tinh thông (talent), có thêm kungfu, tuyệt chiêu, có những gì chỉ các bạn có. Các bạn càng có giá trị cao thì càng bán được giá".
Vị "cá mập" lấy ví dụ, các chuyên gia được trả lương cao bởi người ta bán giá trị họ tạo ra trong 1 phút, chứ chưa cần tình bằng giờ hay ngày. Do đó, khi đi phỏng vấn, chính bản thân phải biết mình bán cái gì, đừng bao giờ nói xin xỏ. Nhà tuyển dụng cũng có rất nhiều cách để biết bạn thực sự thích thú, đam mê và có năng lực cho vị trí đó hay chỉ đơn giản là kiếm việc, làm gì cũng được. Đồng thời, có nhiều bạn chỉ muốn nhận thứ các bạn cần, không biết công ty cần gì nhưng đã đòi hỏi đủ thứ chế độ, lương thưởng, du lịch, được làm việc trực tiếp với sếp,…
Shark Hưng nhớ lại trường hợp ứng viên ứng tuyển vào Giám đốc kinh doanh nhưng khi nghe ông nói rằng vị trí này đã không còn chỗ trống mà chỉ còn vị trí tạp vụ, ứng viên cũng gật đầu luôn.
Từ đó, Phó Chủ tịch Cenland nhấn mạnh: tuyển dụng là câu chuyện mua bán. Một bên mua sức lực, trí tuệ, kinh nghiệm, một bên bán cái mình có.
"Các bạn bán cái doanh nghiệp cần, và chúng tôi mua cái các bạn có. Vậy thì các bạn phải hiểu doanh nghiệp đang cần gì để chào cho trúng và chào cho được giá. Doanh nghiệp đang cần đối tượng mà vị trí đó thì các bạn phải hiểu rất rõ mô tả công việc, hiểu rất rõ trước khi đưa ra đề nghị.
Các bạn trẻ đi phỏng vấn chỉ hỏi em được cái gì, lương bao nhiêu, được nghỉ mấy ngày, lương thưởng gì không, được đi du lịch, được đào tạo không. Nhiều bạn chỉ muốn nhận cái các bạn cần, chứ có biết chúng tôi cần gì đâu. Chưa chi đã hỏi lương, thưởng, đi du lịch nước ngoài, được làm việc trực tiếp với sếp... Tất cả những cái đó là cái các bạn cần, chứ không phải cái tôi cần. Khi đi phỏng vấn xin việc thì các bạn phải thể hiện các bạn có gì và chúng tôi cần gì. Hai yếu tố này gặp nhau thì chắc chắn các bạn thành công".
PV
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị