vĐồng tin tức tài chính 365

Chăm sóc tinh thần cho trẻ mồ côi ra sao?

2021-09-21 09:45
Chăm sóc tinh thần cho trẻ mồ côi ra sao? - Ảnh 1.

Tặng quà Trung thu cho trẻ mồ côi - Ảnh: TỰ TRUNG

Cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ mồ côi ra sao? Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ - chuyên gia tâm lý VƯƠNG NGUYỄN TOÀN THIỆN (đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) về những lưu ý tâm lý khi hỗ trợ các trẻ mồ côi.

Biến cố gây sang chấn, xáo trộn tâm lý ở trẻ

Bác sĩ Thiện cho biết các trường hợp tử vong do COVID-19 thường diễn ra khá nhanh trong khoảng một vài tuần sau khi mắc bệnh. Vì thế, rất nhiều trường hợp gia đình, đặc biệt là trẻ em, không có sự chuẩn bị tinh thần cho việc chia ly đột ngột với cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng khi họ qua đời. 

Khác với nhiều trường hợp cha mẹ bệnh nặng kéo dài trước khi qua đời, trẻ có thể được chuẩn bị từ từ cho việc chia xa. Cái chết của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng do COVID-19 có thể là một biến cố sang chấn lớn và bất ngờ với trẻ em. Nhiều trẻ sẽ sốc, không dễ dàng để đón nhận thực tế này. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ phát triển, nhận thức của mỗi trẻ mà phản ứng của các em có thể khác nhau.

* Làm sao mình có thể nhận biết được vấn đề này ở trẻ, thưa ông?

- Đối với trẻ sơ sinh, mẫu giáo và đầu tiểu học, việc cha mẹ tử vong có thể được cảm nhận như một sự kiện chia cắt, phá hủy sự gắn bó giữa trẻ và người chăm sóc. Trẻ có thể quấy khóc, ăn vạ, tỏ ra sợ hãi khi không được cha mẹ ở cạnh. Một số trẻ có thể gặp tình trạng chán ăn, gặp ác mộng, mất kiểm soát tiêu tiểu, thay đổi hành vi... thậm chí xuất hiện các triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu...

Ở những trẻ vị thành niên, nhận thức tốt và cả người lớn trong gia đình, tâm lý có thể sẽ theo mô hình diễn biến tâm lý khi đón nhận tin dữ của Kubler Ross gồm 5 giai đoạn.

Ban đầu, trẻ có xu hướng chối bỏ (Denial). Vì quá sốc nên trẻ không tin vào sự thật, không chấp nhận thông tin cha mẹ qua đời, cho rằng có nhầm lẫn thông tin.

Sau đó, trẻ chuyển sang giận dữ (Anger): các cảm xúc mạnh, tức giận xuất hiện cùng cảm giác bất công như "Tại sao gia đình mình lại mắc COVID? Tại sao cha mẹ lại chuyển nặng tử vong?", có thể đi kèm các tư tưởng tự trách mình và đổ lỗi.

Trải qua giai đoạn giận dữ, trẻ xuất hiện những ý nghĩ mặc cả (Bargaining) như "Nếu cha mẹ được đưa đi bệnh viện sớm hơn thì có thể không tử vong?" hay "Nếu đeo khẩu trang tốt hơn, nếu không đi ra ngoài thì có lẽ không nhiễm bệnh".

Giai đoạn tiếp theo, khi buồn rầu (Depression), trẻ trở nên trầm lặng, ít hoạt động, giao tiếp và có thể dành nhiều thời gian để khóc; một số trẻ mệt mỏi, ít ăn uống và mất ngủ.

Cuối cùng, trẻ chấp nhận (Acceptance). Trẻ thừa nhận và đón nhận biến cố như một thực tế không thể thay đổi. Các cảm xúc của trẻ dần ổn định và cân bằng trở lại.

Tùy mỗi trẻ mà các dấu hiệu, biểu hiện tâm lý, hành vi có thể khác nhau. Thời gian để trẻ đi qua nỗi đau và chấp nhận cũng khác biệt. Đôi khi cần nhiều tháng, nhiều năm để trẻ thích nghi với sự thay đổi này. Điều quan trọng nhất chúng ta cần hiểu là các phản ứng tâm lý này là tự nhiên và bình thường đối với bất kỳ ai trải qua mất mát, đau buồn. Các phản ứng tâm lý này không hề tiêu cực nên không cần phải khuyên trẻ tránh né, không được buồn, không được khóc. Việc dồn nén cảm xúc sẽ đem lại nhiều hệ quả tiêu cực cho tâm trí và cơ thể.

* Trẻ chịu cú sốc tâm lý thường thu mình, ngại giao tiếp, đặc biệt với người lạ. Cần tôn trọng tâm lý trẻ ra sao khi trò chuyện cùng trẻ?

- Khi tiếp cận hỗ trợ các em, cần phải đảm bảo các nguyên tắc như bảo mật, tôn trọng, không phán xét... Người thân mà trẻ tin tưởng và cảm thấy an toàn nên là người hỗ trợ trẻ trong giai đoạn khó khăn này.

Hãy cho phép trẻ được nghe, biết về việc cha mẹ qua đời. Ngoài ra, trong những lúc trẻ bày tỏ sự đau khổ bằng cách khóc than, vật vã hay im lặng, thu mình..., người lớn hãy tôn trọng và cho điều đó được diễn ra. Chúng ta không thể ép một đứa trẻ mất cha, mất mẹ không được buồn, không được khóc, phải vui lên. Đừng khuyên trẻ không nên buồn hay ngăn cản trẻ nhớ về cha mẹ. Như thế là đi ngược lại với tâm lý bình thường của con người.

Dù rất muốn giúp đỡ nhưng có những thời điểm cần chờ đợi trẻ cho đến khi các em cảm thấy an toàn và sẵn sàng. Đôi lúc chúng ta chỉ cần hiện diện, ở bên cạnh, lắng nghe là đủ.

Cần kịp thời, đồng bộ, dài hạn

* Mức độ cấp bách của việc hỗ trợ trẻ mồ côi do COVID-19 ra sao?

- Một số nghiên cứu chỉ ra cái chết của cha mẹ hoặc người chăm sóc làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe tâm thần, thể chất nơi trẻ. Trẻ có thể gặp các khó khăn về cảm xúc và những vấn đề trong tương lai như nguy cơ bị bạo hành, gia tăng nguy cơ tự tử, mang thai ở tuổi vị thành niên và các bệnh mãn tính...

Về tức thời, nếu không có sự quan tâm giúp đỡ, trẻ sẽ có nhiều bất thường về hành vi, cảm xúc, thậm chí là các rối loạn tâm thần, nguy cơ tự sát... Từ đó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sống của trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, sinh hoạt hằng ngày.

Về lâu dài, nếu không có sự giúp đỡ phù hợp, đầy đủ từ gia đình và xã hội thì những "làn sóng ngầm" các vấn đề sức khỏe tinh thần, xã hội đã được cảnh báo có thể trở thành "làn sóng dữ" hậu COVID-19 tàn phá xã hội lâu dài.

* Cần lưu ý gì khi đưa ra các giải pháp hỗ trợ trẻ?

- Có thể thấy hậu quả của đại dịch COVID trên trẻ em không chỉ dừng lại ở yếu tố sức khỏe mà chúng ta dễ dàng thấy được. Nhiều "làn sóng ngầm" về sức khỏe tinh thần hậu COVID-19, vấn đề giáo dục và phát triển của trẻ em cần phải được chú ý. Trẻ phải được hỗ trợ một cách toàn diện trong tầm nhìn lâu dài, ít nhất cho đến thời điểm các em trưởng thành. Nhu cầu cần được giúp đỡ về chăm sóc, giáo dục, kinh tế, xã hội, phòng chống xâm hại, bạo lực... là các yếu tố cần cân nhắc và quan tâm một cách toàn diện.

Tại Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo... cần đồng hành và giúp đỡ các trẻ mất cha mẹ do COVID-19. Đây không chỉ là một phong trào thời vụ ở hiện tại mà cần những chiến lược can thiệp, giúp đỡ lâu dài ở nhiều khía cạnh như chính sách, sức khỏe, chăm sóc, giáo dục... Những can thiệp toàn diện đó nên có sự liên kết của nhiều ngành chuyên môn từ y khoa, tâm lý, xã hội, giáo dục...

Bên cạnh đó, cần tôn trọng quyền riêng tư về hình ảnh, thông tin cá nhân của các em trong hoạt động từ thiện, giúp đỡ; tránh để những hình ảnh, câu chuyện phát tán thiếu cân nhắc có thể kích hoạt các sang chấn mất mát nơi trẻ và gây nên những tình trạng kỳ thị tiêu cực.

* Khi trẻ xuất viện trở về nhà, những người lớn như người thân, giáo viên... cần hỗ trợ gì cho trẻ, đặc biệt là về tâm lý?

- Về mặt tâm lý, người thân cần lưu ý 3 điểm. Hãy giải thích cho trẻ vấn đề thực tế của cha mẹ. Không nên nói dối hay giấu giếm trẻ các thông tin mất mát vì đây là cách né tránh tiêu cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trí trẻ lâu dài. Hãy cho trẻ cơ hội được biết, được đau buồn, được khóc thương cho cha mẹ. Bên cạnh đó, trẻ cần sớm có người chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế, thay cho hình ảnh người cha người mẹ đã mất đi. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, đặc biệt đối với những trẻ dưới 6 tuổi.

"Đơn thuốc" tinh thần cho trẻ mồ côi

z2778314009794_e549bdb7a209aef49414084374bf1607 1(read-only)

Để xóa nhòa đi vết hằn thương đau do mất người thân, trẻ rất cần những “đơn thuốc” tinh thần Ảnh: CHÂU TUẤN

Có trẻ òa khóc khi đủ nhận thức việc mình phải mất đi người thân, cũng có trẻ còn quá nhỏ nên chỉ hồn nhiên cười đùa chẳng biết gì... Nhưng dù với trạng thái tâm lý thế nào, trẻ vẫn ít nhiều chịu đựng những tổn thương tinh thần cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

Đột ngột không tìm thấy lại "cuộc đời cũ"

Mất cha cách đây một năm, bé Nguyễn Tường Vy (6 tuổi) cùng anh trai (12 tuổi) được mẹ yêu thương chăm sóc chu đáo dù cuộc sống có khó khăn. Ba mẹ con ở trong khu nhà trọ thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM. Ngày 17-8, mẹ hai bé mất đột ngột chỉ sau 2 ngày cách ly do suy hô hấp nặng vì mắc COVID-19, hai bé bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi. Trong gian nhà trọ chật hẹp, người chú Nguyễn Hữu Linh giờ đây phải trở thành cha mẹ "bất đắc dĩ", trở thành trụ cột duy nhất của hai cháu. Anh Linh không khỏi đau xót, nghẹn lời mỗi khi cháu nhỏ ngây ngô đi tìm mẹ. Dù đã biết mẹ không còn nhưng cháu vẫn chưa hiểu hết được nên lâu lâu lại hỏi: "Mẹ con đâu rồi?".

Trẻ cần "đơn thuốc" tinh thần lâu dài

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến - giảng viên bộ môn giáo dục sức khỏe - tâm lý y học Trường đại học Y dược TP.HCM, những trẻ em mất đi người thân vì đại dịch sẽ trải qua những khủng hoảng tâm lý sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn.

Thêm vào đó, do dịch bệnh ngăn cách, trẻ mất đi sự chia sẻ cảm xúc và hành vi từ những người xung quanh, có những trẻ thậm chí phải chịu cảm giác đau thương một mình. Với những trẻ còn quá nhỏ cũng sẽ cảm nhận được việc mất đi người thân nhưng chưa cảm nhận được như những đứa trẻ lớn hơn một chút. Tuy nhiên dù thế nào vẫn tồn tại những vết thương lòng ở những đứa trẻ chịu cảnh mất đi người thân vì COVID-19.

Bà Yến đặc biệt nhấn mạnh người thân nên chọn thời điểm phù hợp để nói cho trẻ sự thật về việc mất cha, mẹ. Việc cha, mẹ mất là điều không ai mong muốn và không cha, mẹ nào muốn rời bỏ con trẻ.

Cũng với vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ mồ côi vì dịch COVID-19, TS Ngô Xuân Điệp - trưởng khoa tâm lý học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết tốt nhất là nếu trẻ còn người thân và có khả năng chăm lo thì nên để trẻ được sống trong môi trường gia đình. Trưởng thành với sự yêu thương từ người thân là cách trị liệu tốt nhất cho sự mất mát của trẻ.

"Cho trẻ cảm giác an toàn là điều quan trọng nhất cần làm lúc này, thể hiện qua sự quan tâm, ôm ấp, vỗ về của một "người mẹ thay thế". Người mẹ ấy có thể là cô, dì, chú, bác hoặc bất cứ người nào nhận chăm lo cho trẻ", ông Điệp chia sẻ.

Để lấy lại cân bằng trong đời sống tinh thần của trẻ, cần có những hoạt động xã hội được triển khai để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các em, môi trường sống, học tập, nhu cầu, nguyện vọng, để từ đó tổ chức lại cuộc sống cho các em. Nếu vì hoàn cảnh, bắt buộc phải đưa trẻ đến những cơ sở chăm sóc trung lập thì nên lựa chọn nơi uy tín để đảm bảo sự chăm sóc tốt nhất cho trẻ về vật chất lẫn tinh thần.

CẨM NƯƠNG

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM hỗ trợ học tập cho trẻ mồ côi vì COVID-19 đến 18 tuổiChủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM hỗ trợ học tập cho trẻ mồ côi vì COVID-19 đến 18 tuổi

TTO - Sáng 20-9, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cháu có cha, mẹ mất do COVID-19 tại quận Bình Tân.

Xem thêm: mth.17925251202901202-oas-ar-ioc-om-ert-ohc-naht-hnit-cos-mahc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Chăm sóc tinh thần cho trẻ mồ côi ra sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools