Giới chuyên gia cho rằng, câu chuyện sẽ không đơn giản như vậy. Khi đại dịch qua đi, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục chịu những áp lực liên quan đến lạm phát. Bởi Covid-19 không phải là lực cản duy nhất.
Xu hướng 'exit' đặc biệt được kỳ vọng
Hơn một thập kỷ qua, hậu tố "exit" đã quen thuộc với ý nghĩa chỉ sự rời đi. Grexit - cụm từ mà Hy Lạp sử dụng với mong muốn rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tiếp sau đó là Italexit xuất hiện trong một thời gian ngắn. Hay như Frexit xuất hiện khi Pháp muốn đơn phương rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Brexit (Anh rời EU) là thực sự xảy ra, mặc dù các cuộc thăm dò hồi tháng 5/2016 cho thấy có nhiều cử tri Pháp (61%) hơn là cử tri Anh (48%) tỏ ra không hài lòng với EU.
Phần lớn giới chuyên gia đánh giá, làn sóng "muốn thoát ly" (exits) này đều là xu hướng không mong muốn. Song hiện nay, một hiện tượng muốn thoát ly khác mà mọi người đều mong chờ, đó là Pandexit - nền kinh tế sẽ dần phục hồi sau những tác động tiêu cực của đại dịch.
"Cánh cổng" này được mở ra với ý tưởng lạc quan rằng Covid-19 sẽ ở lại phía sau, guồng quay cuộc sống sẽ bình thường trở lại với những màn chào hỏi, ôm hôn quen thuộc, hay những chuyến tàu điện, xe lửa chạy qua những thành phố lớn như New York, Tokyo...
Hai kịch bản
Nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính, đại dịch đã gây ra thiệt hại 8% sản lượng kinh tế ở các nước phát triển trong năm 2020 và con số này được dự báo sẽ giảm thêm hơn 2% trong năm nay.
Việc di chuyển tự do cùng những nới lỏng sẽ giúp thúc đẩy xu hướng phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, với mức độ khác nhau ở nhiều quốc gia, tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm cũng như tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa với việc, có khả năng sẽ có một làn sóng tái bùng phát mới, khiến chính phủ các nước tiếp tục đưa ra những quy định về giãn cách.
Hơn nữa, không phải tất cả các lợi ích kinh tế của Pandexit sẽ là tuyệt đối. Ngay cả với kịch bản tích cực nhất, các thống đốc ngân hàng trung ương vẫn bày tỏ lo ngại với nhiều rủi ro đáng kể. "Các nhà hoạch định chính sách vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, khi tỷ lệ nợ công và nợ tư nhân đang ở mức rất cao, trong khi những tác động tiêu cực mà đại dịch để lại là rất lớn", Giám đốc của BIS, Agustín Carstens nhấn mạnh.
Đại diện BIS cho hay, điểm mấu chốt của vấn đề này chính là thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây nên đã được giảm thiểu đáng kể nhờ "các chính sách kinh tế vĩ mô quy mô lớn chưa từng có": lãi suất thấp, quy mô nới lỏng định lượng lớn, cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ tài khóa dồi dào.
Mức độ hỗ trợ ngân sách khác nhau giữa các quốc gia, chẳng hạn ở Mỹ lớn hơn nhiều so với ở châu Âu. Dù vậy, nợ chính phủ đã tăng mạnh ở khắp các quốc gia trên thế giới và hiện đang ở mức lớn chưa từng có ở các nước như Italy và Nhật Bản.
Trong bối cảnh đó, BIS đã xác định hai kịch bản suy thoái nguy hiểm.
Kịch bản đầu tiên là rủi ro về dịch tễ học. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện, đòi hỏi nền kinh tế phải tiếp tục đóng cửa và tăng cường hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, điều này có thể không khả thi đối với một số chính phủ, vì họ đối mặt với nhiều sức ép về kinh tế và chính trị. Theo đó, nếu có xuất hiện những làn sóng dịch mới, các nước cần tìm cách xử lý tốt nhất có thể và hy vọng rằng việc tiêm phòng sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong.
Kịch bản thứ hai có khả năng xảy ra cao hơn đó là tiếp tục mở cửa nền kinh tế, khiến áp lực về giá cả hiện tại tăng lên, buộc các ngân hàng trung ương phải phản ứng bằng các chính sách tiền tệ.
Bình thường hóa chính sách tiền tệ phải được thực hiện "rất từ từ"
Tính đến tháng 7, lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ là 5,4%. Chỉ số Baltic Dry Index, đo lường giá thuê các con tàu lớn vận chuyển hàng khô như quặng sắt, than và ngũ cốc, đã tăng khoảng 170% trong năm nay. Trong khi đó, nhiều khu vực cũng đang đối mặt với những hạn chế về nguồn cung.
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác, gia tăng lạm phát này là nhất thời. Ngạn ngữ Pháp có câu: "rien ne dure comme le provisoire", có nghĩa là "không gì kéo dài mà được coi chỉ là tạm thời". Trong trường hợp này, nếu nhận định của các ngân hàng trung ương là sai, như cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers và những nhiều người khác quả quyết, rủi ro sẽ xuất hiện.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong giai đoạn Pandexit sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn với giai đoạn bình thường. Lý do là các ngân hàng trung ương đang tích tụ quá nhiều nợ, thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu chính phủ đã được rút ngắn, khiến bảng cân đối kế toán của khu vực công trở nên nhạy cảm hơn bình thường đối với những thay đổi trong lãi suất ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các chính phủ sẽ không hài lòng với việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, bởi điều này có thể gây ra những hậu quả trực tiếp về tài chính.
Hơn nữa, việc thắt chặt tiền tệ ở các nước phát triển, nhất là Mỹ, sẽ là điều không mong muốn đối với các thị trường mới nổi. Phần lớn các nước này vẫn đang chật vật để kiểm soát dịch bệnh, cũng như tỷ lệ tiêm chủng còn đang thấp hơn nhiều so với châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.
Để ứng phó với đại dịch, cả thế giới đều phải đối mặt với những thách thức tương tự, và sự kết hợp các chính sách mà chính phủ đã sử dụng nhìn chung cũng giống nhau. Mặc dù vậy, trong giai đoạn Pandexit, tất cả những điều này có thể thay đổi.
Các biện pháp có thể phù hợp với những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp và với mức nợ công có khả năng kiểm soát được, nhưng cũng có thể gây ra thảm họa với nền kinh tế ở các quốc gia khác.
Do vậy, Giám đốc Carstens kêu gọi việc bình thường hóa chính sách tiền tệ phải được thực hiện một cách "rất từ từ". Ông kết luận, thế giới sẽ cần phối hợp chính sách quốc tế nhiều hơn, việc mà dường như đã bị lãng quên kể từ khi đại dịch bùng nổ.
Tham khảo: Project Syndicate
Anh Vũ
Doanh nghiệp tiếp thị