"Vòng tay Việt Nam" của Nguyễn Châu Phương Trinh, Bến Tre, bức tranh tham dự cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi với chủ đề "Vững tin Việt Nam" do Hội đồng Đội trung ương tổ chức
Hiện có hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 ở TP.HCM. Con số này chắc chưa dừng lại và chưa đầy đủ bởi dịch vẫn còn đang hoành hành, nếu tính cả các tỉnh thành thì con số có thể đến hàng ngàn cháu rơi vào tình cảnh này.
Chỉ mới đấy thôi, gia đình còn đầy ắp tiếng cười, vậy mà thoắt chốc ly biệt, có cháu mất cả cha lẫn mẹ, cả ông bà, tâm trạng bàng hoàng, đau xót không thể chịu đựng được.
Tất cả chúng ta đang vào cuộc. Chính quyền TP.HCM đang xây dựng chính sách trợ giúp và chăm lo cho các cháu, Tập đoàn FPT lập trường nuôi dưỡng và đào tạo 1.000 em, nhiều tổ chức xã hội và trung tâm bảo trợ mong muốn nhận các cháu, nhiều cá nhân đóng góp cho các cháu trên danh nghĩa "đồng bào".
Cho các cháu một ít tiền cùng lời động viên và nuôi một ngày, một tuần, một tháng trong thời buổi khó khăn này cũng rất quý. Nhưng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, rèn luyện, đào tạo cho một đứa trẻ mồ côi vài ba tuổi đến 18 tuổi, 22 tuổi có nghề nghiệp lập thân là một quá trình dài đằng đẵng và không chỉ cần tài chính, chỗ ở mà cả tình thương yêu vô bờ bến, cùng với đó là phương pháp và kỹ năng thích hợp.
TP.HCM là nơi đang có số lượng trẻ mồ côi vì COVID-19 đông nhất, do vậy cần hình thành một ngân quỹ ổn định dành riêng cho chương trình này làm sao đủ chi phí đều đặn cho các cháu hằng tháng và gia tăng theo nhu cầu của độ tuổi và học tập.
Quỹ này hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách của thành phố, của hội đoàn, các doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm trên tinh thần "góp gió thành bão", "tích tiểu thành đại"; có bộ phận quản lý thu chi và chu cấp cho các cháu, đảm bảo đủ sinh hoạt và học tập bình thường.
Với các cháu, ngoài chuyện ăn uống thì một điều hệ trọng khác là cần tạo cho các cháu một mái ấm, một bầu không khí yêu thương đùm bọc thật sự.
Mất cha mẹ là mất chỗ dựa lớn nhất của đời người, các cháu có thể bị rơi vào hoảng loạn, sau nước mắt là trầm cảm, hoang mang, lo sợ. Vì thế, hơn lúc nào hết, các cháu cần một chỗ dựa tinh thần để không bị tuyệt vọng dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Những bàn tay nhân ái giúp các cháu có niềm tin vào xã hội, vào chính bản thân mình, để rồi mạnh mẽ hơn, đứng lên từ đau thương. Chính vì thế cái ăn, cái mặc, chỗ ngủ là cần, nhưng quan trọng hơn thế là phải lo cho các cháu việc học hành, hình thành nhân cách, rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí, trang bị kỹ năng sống và mở rộng các mối quan hệ xã hội.
Đó là công việc thường trực, kiên trì, bền bỉ, chứ không phải chỉ rộ lên như "phong trào" hay "ánh chớp" chợt lóe rồi tắt.
Cuối cùng, một điều cần phải nói thêm ấy là có nhiều cháu mất cha mẹ khi còn ẵm ngửa, có cháu vài ba tuổi, quá nhỏ để lo chuyện gia đình. Chính quyền cần tìm tro cốt của cha mẹ các cháu này gửi ở nơi tin cậy cùng với những thông tin, hình ảnh, kỷ vật còn lại để các cháu mai này lớn lên biết nơi hương khói, biết nguồn cội của mình.
Đó là điều cần thiết, dù ít ỏi nhưng cũng là vốn quý trong hành trang vào đời của các cháu không may này.
Tôi trân trọng TS Trương Gia Bình khi ông nói: "Sức mạnh lớn nhất của con người là được yêu thương và yêu thương mọi người". Đó là sức mạnh giúp cho các cháu đi tới.
TTO - Sáng 20-9, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các cháu có cha, mẹ mất do COVID-19 tại quận Bình Tân.
Xem thêm: mth.47475847012901202-91-divoc-iv-ioc-om-ert-noc-ohc-neb-ual-ma-iam-nac/nv.ertiout