vĐồng tin tức tài chính 365

Ấm lòng gian hàng miễn phí nơi góc phố

2021-10-01 11:47
Ấm lòng gian hàng miễn phí nơi góc phố - Ảnh 1.

Với người lao động nghèo hay những hoàn cảnh khó khăn, gian hàng 0 đồng này như một điều kỳ diệu với họ - Ảnh: TAM XUÂN

Suốt 8 tháng nay, cửa hàng 0 đồng tại số 24 Bùi Hiển (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, nơi đang giãn cách xã hội theo chỉ thị 16) là cầu nối hiệu quả giữa người thừa và người thiếu. Nơi đây, không người mua kẻ bán mà chỉ có những nụ cười luôn nở trên môi.

Gian hàng nghĩa tình

Chúng tôi có mặt tại gian hàng miễn phí của hội Sống đẹp vào một ngày giữa tháng 7 khi dịch COVID-19 đang tiếp tục bùng phát tại Đà Nẵng. Một cảm giác vô cùng ấm áp khi nhìn thấy gian hàng quần áo miễn phí dành cho người nghèo được sắp xếp gọn gàng, khá đẹp mắt cùng khẩu hiệu: "Ai có thì mang đến, ai khó khăn thì đến nhận" được in chỉn chu nơi góc phố.

Gọi là gian hàng nhưng nơi đây không dùng để kinh doanh thu lợi nhuận mà là chỗ để ai thiếu đến lấy, ai dư thì đến cho. Từ người bán hàng rong, vé số cho đến sinh viên, người đi làm... tất cả mọi người cần đồ gì thì cứ đến lấy, ai có đồ dư mang đến ủng hộ.

Anh Nguyễn Văn Cường, hội trưởng, là người đề xuất triển khai mô hình này, cho biết cách đây 1 năm cũng tại nơi này, anh đã mở một gian hàng quần áo "0 đồng" để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Đến cuối năm 2020, nhờ sự chung sức của những người có tinh thần thiện nguyện, gian hàng miễn phí kiên cố này chính thức xây dựng nên với phương châm làm nhịp cầu yêu thương kết nối giữa người thừa và người thiếu, người cho và người nhận nhằm sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời còn kém may mắn trong cộng đồng.

"Tôi nghĩ người lao động nghèo đôi khi cũng ao ước có được những bộ quần áo mới. Không lẽ cứ để họ mặc quần áo cũ mãi sao? Nên tôi và các thành viên trong hội quyết định thành lập nên gian hàng này" - anh Cường chia sẻ. 

Bây giờ trong gian hàng đầy đủ từ các đồ dùng cá nhân: quần áo, túi xách, giày thể thao, giày cao gót, dép lê… đến nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, cháo gói, muối, nước mắm, dầu ăn, sữa tươi… "Gian hàng không có người bán, khách hàng đến tự chọn món đồ mình cần đem về mà không phải trả tiền" - anh Cường nói.

Đa phần người đến nhận là người lao động làm nghề chạy xe ôm, mua bán ve chai, bán vé số, người lang thang cơ nhỡ. "Chúng tôi mở cửa phục vụ từ 5 giờ đến 22 giờ tất cả các ngày trong tuần nên mọi người có thể đến cho và lựa quần áo bất cứ lúc nào".

Bên cạnh gian hàng "0 đồng" dành cho người lao động khó khăn, hội còn tổ chức mô hình thu gom ve chai, rác thải nhựa. Mô hình này vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí duy trì hoạt động gian hàng và gây quỹ từ thiện ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Ấm lòng gian hàng miễn phí nơi góc phố - Ảnh 2.

“Gian hàng miễn phí” nơi góc phố làm ấm lòng nhiều người đi đường - Ảnh: TAM XUÂN

Người cho và nhận đều vui

Trưa đứng bóng, dừng chiếc xe đạp chở đầy ve chai phía trước cửa, chị Nguyễn Thu Phương (34 tuổi, quê Quảng Nam) cùng người đồng nghiệp lúi húi bước vào gian hàng 0 đồng. Loay hoay một hồi, người phụ nữ với vẻ ngoài lam lũ cũng chọn cho mình được một cái áo khoác ưng ý. Xong chị lấy thêm một vài hộp sữa tươi và mấy gói mì tôm… bỏ vào giỏ xe đạp.

Nở nụ cười mãn nguyện, chị Phương bộc bạch gia đình thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, suốt chục năm nay chị gồng gánh mưu sinh nuôi 3 đứa con ăn học. Chi phí sinh hoạt ở thành phố quá đắt đỏ khiến gánh nặng nhà cửa, cơm áo đè nặng trên đôi vai của chị nhiều hơn. 

Chiếc áo bị rách đã lâu nhưng không có tiền mua áo mới. Nghe mọi người "mách miệng" nên hôm nay chị tranh thủ ghé qua đây, chọn một chiếc áo khoác để che mưa nắng trong những lần làm việc. "Thấy cửa hàng còn có nhiều thực phẩm nên ngoài cái áo, tôi xin thêm vài hộp sữa và mì tôm về cho đứa con út ở nhà. Dịch giã miết ri không làm gì ra tiền, quá khó khăn" - chị Phương trải lòng.

Đứng cạnh chị Phương, ông Trần Ngọc Hải (62 tuổi, bán vé số) cầm trên tay đôi giày da ưng ý hào hứng khoe: "Đôi giày này vừa chân quá. Giày cũ của tôi rách mất rồi". Gia đình nghèo khó, không vợ con, cha mẹ đều qua đời sớm nên nhiều năm nay ông Hải sống cô độc và mưu sinh bằng những tấm vé số. Cuộc sống lo toan từng bữa ăn nên chẳng biết đã bao lâu rồi ông không dám tự sắm cho mình một đôi giày mới.

Nhờ có gian hàng miễn phí này mà suốt mấy tháng nay, ông đã có được cho mình những bộ áo quần, đôi giày tươm tất hơn, bữa ăn hằng ngày cũng đỡ đi phần nào nhờ những nhu yếu phẩm "mua" được ở gian hàng 0 đồng.

Ông Hải nói ngoài việc chọn cho mình đôi giày, ông còn kiếm thêm một cái áo khoác để chống nắng khi đi bán vé số. Và ông cũng giới thiệu với bạn bè cùng cảnh ngộ đến đây để nhận những phần quà.

Mỗi người đến chọn đồ là mỗi hoàn cảnh, nhưng điểm chung của họ là ai cũng khó khăn, cuộc sống lam lũ. Vậy nhưng họ chỉ lấy đúng thứ mình cần, cứ như thế, người thừa mang đến, người thiếu lấy đi, ngày này qua tháng nọ gian hàng này che chở bao cảnh đời túng thiếu.

Nhịp cầu kết nối

Tiếng lành đồn xa, sau một thời gian hoạt động, gian hàng đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Có nhiều người khi biết đến "dự án" này của anh Cường đã không quản đường xa mang quần áo đến ủng hộ. Ngày nào cũng có người chở đồ đến tặng cho cửa hàng. Có người mang đến những bọc đồ của gia đình, có người chở đến mấy bao tải do gom từ người thân, bạn bè. Cũng có người đi đường ghé vào ủng hộ vài trăm ngàn đồng để gian hàng mua thêm thực phẩm phục vụ bà con nghèo.

Sau khi tiếp nhận đồ dùng, tình nguyện viên quản lý gian hàng tổ chức phân loại. Các đồ dùng, nhu yếu phẩm, đồ ăn thì bày ở khu vực dễ nhìn thấy nhất và thuận tiện cho khách hàng. Với quần áo, chủ yếu là đồ đã qua sử dụng, các bạn tình nguyện viên sẽ giặt sạch sẽ, ủi phẳng và phân loại theo mùa, giới tính, độ tuổi để người tiếp nhận có thể dễ dàng lựa chọn.

Câu nói: "Người Đà Nẵng là thế đó, chỉ cần một người khó khăn là sẽ có nhiều người chung tay giúp đỡ. Cảm ơn thành phố đáng sống và những con người Đà Nẵng tử tế giữa đời thường" - anh Cường bày tỏ.

Xem thêm: mth.390258010011202-ohp-cog-ion-ihp-neim-gnah-naig-gnol-ma/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ấm lòng gian hàng miễn phí nơi góc phố”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools