Sáng1-10, VCCI Cần Thơ phối hợp Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến về Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022.
Mở đầu hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhắc lại về công bố mới đây của Tổng cục thống kê về GDP quý 3-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý cho đến nay.
Đáng chú ý, ông Thành cho biết 9 tháng đầu năm, có 85,5 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới, giảm 13,6%; nhưng số DN rút khỏi thị trường chiếm tới 90,3 nghìn DN, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Tại ĐBSCL, con số DN phải tạm dừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Các DN có thể duy trì 3 tại chỗ thì chỉ đạt công suất từ 5-10% trong khi nhiều chi phí khác tăng lên.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cũng đánh giá, trong số các DN đang hoạt động thì phần lớn đang trong tình trạng kiệt quệ, chết lâm sàng, phần lớn các DN cho biết không thể trụ được thêm từ 3-6 tháng tới nếu tình hình không được cải thiện.
Thông tin thêm về bối cảnh trong và ngoài nước lúc này, ông Lộc cho biết hiện nay nền kinh tế thế giới, chính là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tình hình như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp trong tiến trình nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Những tháng qua, đã có 20-30% các đơn hàng lớn đã chuyển đi các quốc gia khác. Hiện các DN đầu tư nước ngoài đang do dự.
"Các DN và nền kinh tế của nước ta đang sức cùng lực kiệt... Tôi nghĩ áp lực lúc này là mở cửa hay là chết. Ba tháng cuối năm, 100 ngày tới sẽ là thời gian vàng và sẽ là thách thức sinh tử đối với nền kinh tế Việt Nam" - ông Lập nhấn mạnh.
Ông Lộc cho biết trong hội nghị Thủ tướng với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày 26-9 vừa qua, ông đã kiến nghị với Thủ tướng cần kiên định mục tiêu mở cửa nền kinh tế. Ông cũng đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia ngay trong tuần này phải ban hành tài liệu hướng dẫn thích ứng sống chung an toàn với Covid-19 để thống nhất được kịch bản khung khổ hành xử của các cấp chính quyền và người dân, DN.
Điều này nhằm tránh tình trạng "lúc đóng lúc mở, lúc siết lúc buông, trên nói một đằng dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn, huyện bảo DN được vận hành bình thường, xã lại bảo người lao động ai ở đâu yên đó, ngăn sông cấm chợ vô lối làm khó cho DN. Nhiều DN chết oan vì điều đó".
TS.Vũ Tiến Lộc nói và nhấn mạnh: "Cuốn cẩm nang là vô cùng quan trọng, rất tiếc cho đến thời điểm này thì vẫn chưa được thông qua. Tôi rất mong các địa phương và các bộ ngành sẽ góp ý tích cực cho cuốn cẩm nang này để có thể có khung mở cửa chủ động cho thời gian tới, thay cho các chỉ thị 15, 16...".