vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Việt Nam bước vào 3 tháng thách thức

2021-10-01 18:26

Kinh tế Việt Nam đảo chiều vì dịch bệnh

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trong năm 2020 Việt Nam được thế giới đánh giá là “ngôi sao phát triển”, nhưng đợt dịch lần thứ 4 này mọi thứ đảo ngược, Việt Nam đang trở thành “ngôi sao xuống đáy”. Nếu dịch bệnh không được cải thiện và mở cửa nền kinh tế thì GDP trong thời gian tới sẽ tiếp tục âm sâu.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, dịch bệnh đã làm hơn 20% đơn hàng nước ngoài đang chuyển sang các nước khác để kịp phục vụ nhu cầu cuối năm. Các nước đối thủ như Trung Quốc đang mở cửa nền kinh tế và phục hồi khá mạnh nên có điều kiện tham gia vào các chuỗi này. Còn chúng ta đang lỡ nhịp, đứng ngoài tiến trình nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu như không phục hồi hoạt động sản xuất sớm, số lượng đơn hàng chuyển đi thời gian tới còn tăng lên, thậm chí con số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ bị đảo chiều.

Ba tháng tới là thời điểm các nhà đầu tư phải tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2022. Do đó động thái trong 3 tháng tới là quyết định số phận nền kinh tế Việt Nam, nếu không thì mất cả năm 2022 cũng không bắt nhịp kịp. “Chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn vàng là mở cửa, tái hoạt động, đồng thời cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế nếu như các chính sách mở cửa không thống nhất, nền kinh tế lúc mở, lúc đóng. Mở cửa thị trường bền vững chính là "cỗ máy thở" cho nền kinh tế” - tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói. 

Các trung tâm tiêu thụ hàng hoá ở châu Âu đang kêu gọi các nhà đầu tư quay về trở về nước họ để tái cấu trúc đầu tư theo xu hướng công nghiệp 4.0 sử dụng ít lao động và xu hướng này sẽ mạnh mẽ thời gian tới. Trong khi đó lợi thế của nền kinh tế Việt Nam là dựa trên lao động rẻ, gia công xuất khẩu. Nền kinh tế gia công sẽ giảm trong thời gian tới, thậm chí sẽ không còn. Những nền kinh tế gia công xuất khẩu tương tự như Việt Nam cũng sẽ mất lợi thế.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbirght Việt Nam), Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm của các nước nhưng đang bị tác động nghiêm trọng nhất, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng tác động ở đây không phải là số ca nhiễm bệnh do mắc COVID-19 mà bị tác động bởi các chính sách không thống nhất. Tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng so với các nước khác nhưng giãn cách quá tràn lan, không nhất quán, yêu cầu doanh nghiệp (DN) và người dân thực hiện các biện pháp không cần thiết. Các đợt dịch trong năm 2020, DN vẫn còn bán hàng trực tuyến nhưng trong năm nay kênh này bị cấm, dẫn đến kinh tế suy giảm mạnh (hai ngành giảm nhiều nhất là sản xuất và thương mại).

Theo thống kê, trong năm 2020 đến tháng 5/2021 ngành công nghiệp sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau các đợt dịch COVID-19. Nhưng đến tháng 6/2021 thì chậm lại, không có khả năng tăng trưởng vào tháng 7 và giảm mạnh vào tháng 8 và 9. Một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng thì có dấu hiệu khôi phục sản xuất nhưng hiện suy giảm mạnh ở TPHCM và ĐBSCL. Đặc biệt chỉ số sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp tại các tỉnh ĐBSCL suy giảm mạnh hơn cả TPHCM.

Trong năm 2020 chúng ta còn đầu tư công, giải ngân tăng 35%. Trong khi 9 tháng đầu năm 2021 thì sụt giảm 6,9%, đầu tư tư nhân giảm 3,9%, FDI là 3,4%. Điểm sáng hiện nay là xuất khẩu tăng trưởng mạnh cho đến tháng 6, nhưng đến tháng 7 cũng chậm lại và suy giảm trong tháng 8, 9 (trừ Hải Phòng vẫn còn tăng trưởng tốt, vẫn tiếp nhận được vốn đầu tư). Suy giảm kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL là nặng nề nhất, như Bến Tre là âm 0,7%.

Cần phải mở cửa bền vững để giữ chân nhà đầu tư và vực dậy nền kinh tế  (Ảnh minh hoạ)
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần có chính sách phù hợp để giữ chân nhà đầu tư và vực dậy nền kinh tế - Ảnh: Trường Nguyên

 

Nên và không nên

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu mở cửa, tiềm năng xuất khẩu hàng VN vẫn còn vì nhờ sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Năm 2020, Việt Nam vẫn xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và Hoa Kỳ, năm nay thì có thêm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong quý II/2021, mặc dù dịch bệnh nhưng các nước ASEAN vẫn tăng trưởng dương so với Việt Nam, nên sức mua với hàng xuất khẩu là có. Thách thức trong quý 4/2021 là nếu mở cửa không bền vững thì các tập đoàn đa quốc gia buộc phải chuyển đơn hàng sang các nước khác nhằm phục vụ nhu cầu hàng hoá dịp lễ cuối năm. Nếu mở cửa rồi đóng tiếp, chắc chắn sẽ đổ vỡ nền kinh tế cả năm 2022. Ngược lại nếu mở cửa kịp thời và bền vững thì sẽ giữ lại các nhà đầu tư vào thời gian tới. “Có một số lo ngại khi mở cửa ra thì ca nhiễm sẽ tăng, sức mua yếu. Nhưng các nền kinh tế trên thế giới như Mỹ và ASEAN vẫn kiên định mở cửa và không giãn cách trên diện rộng” - ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hiện các gói hỗ trợ triển khai trong năm 2021 quá muộn và chưa đủ mạnh so với tác động của dịch. Nên để kinh tế tăng trưởng chỉ bằng cách mở cửa. Nhưng việc cần lúc này là DN sản xuất trở lại thì bỏ quy định “3 tại chỗ”, nếu xuất hiện ca dương tính ở đâu thì xử lý ở đó, không bắt DN đóng cửa.

Đặc điểm trong thực thi chính sách của Việt Nam là "đẻ" ra giấy phép, gây khó khăn cho DN. Vì vậy, lúc này không nên có thêm giấy phép mới mà nên tập trung khai thông vận tải, logistic. Không nên yêu cầu DN phải xin phép cấp “luồng xanh”, thay vào đó xác nhận người điều khiển xe và lao động logistic tiêm đủ vắc xin (hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong 72g) là tiêu chí an toàn thay cho việc cấp phép. Nên quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu DN phải xin phép.

Các tổ chức đa phương và ngân hàng quốc tế đã và đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của VN năm 2021 xuống. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu 9 tháng đầu năm lạm phát bình quân chưa tới 2%, tăng trưởng tín dụng tăng 7,2%, cán cân quốc tế thâm thụt hàng hoá 2,1 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ 100 tỉ USD, nợ công/GDP tăng một chút ở mức 55,3%... thì vẫn còn dư địa để thực hiện gói tài khoá “cấp cứu” nền kinh tế. Đồng thời cần sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng, không tăng lãi suất trong điều kiện lạm phát. “Chính phủ phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao tài trợ bằng trái phiếu chính phủ và một chương trình đầu tư công trung dài hạn (2022 - 2025). Nếu chúng ta mở cửa hoàn toàn thì sẽ đạt được tăng trưởng ở mức 7,5% vào năm 2022” – ông Nguyễn Xuân Thành dự báo.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho rằng, dư địa của gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ chỉ sử dụng mới 50%, còn lại chưa đưa vào thị trường để DN tiếp cận. Trong thời gian tới cần cấp tập mạnh mẽ các phương thức hỗ trợ, phải đẩy mạnh đầu tư công, gói hỗ trợ tài khoá để cứu DN, thúc đẩy DN phát triển, đảo chiều tăng trưởng GDP.

Đối với các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam làm nơi cung ứng hàng hoá, cần có chính sách đặc biệt để giữ chân họ. "Thất bại của chúng ta là lúc đầu đã xem nhẹ vai trò của DN trong việc tham gia phòng chống dịch, tìm kiếm nguồn vắc xin trong khi đó thì vừa qua cộng đồng DN lại phát huy vai trò này khá tốt. Hãy đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm, phát huy được sức mạnh của họ. Không coi DN là đối tượng thi hành mà là chủ thể sáng tạo, là ân nhân của chính quyền, lo sinh kế cho người dân” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.3627441a-cuht-hcaht-gnaht-3-oav-coub-man-teiv-et-hnik/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Kinh tế Việt Nam bước vào 3 tháng thách thức ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools