Khinh hạm HMS Richmond tại quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 1-10.- Ảnh: Đại sứ quán Anh cung cấp
"HMS Richmond rất vinh dự khi có hoạt động diễn tập với Hải quân Việt Nam vào ngày khởi hành khỏi Cam Ranh, có thể là một cuộc diễn tập PASSEX (các tàu chiến di chuyển theo đội hình và trao đổi, liên lạc bằng các tín hiệu đèn, thiết bị vô tuyến để đảm bảo khả năng phối hợp khi cần thiết - PV)" - thuyền trưởng Botterill trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ khi đang ở Cam Ranh.
Đại sứ quán Anh tại Việt Nam xác nhận cuộc diễn tập đội hình chung giữa hai lực lượng hải quân sẽ diễn ra ngày 4-10.
* Ông đã phục vụ trên nhiều tàu chiến của Hải quân Anh và đi nhiều vùng biển trên thế giới. Cảm nghĩ của ông khi biết sắp chỉ huy một con tàu đến Biển Đông?
- Tôi đã chỉ huy tàu HMS Richmond được khoảng 3 năm và lần này đến Biển Đông trong nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Như các đợt triển khai khác, cảm xúc của tôi là sự pha trộn của niềm tự hào, sự háo hức và ý thức trách nhiệm.
Biển Đông là một vùng biển quan trọng, nơi 1/3 giá trị thương mại toàn cầu đi qua mỗi năm. Đây là vùng biển rất quan trọng đối với thương mại và sự thịnh vượng của Anh cũng như phần còn lại của thế giới.
Tôi vô cùng tự hào khi cùng tàu HMS Richmond đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đóng góp vào các hành động quốc tế vì an ninh hàng hải và làm tăng ý nghĩa chiến lược, sự hiện diện của Vương quốc Anh trong khu vực.
* Trước khi tiến vào Biển Đông và đến Việt Nam, HMS Richmond đã băng qua eo biển Đài Loan. Ý nghĩa của hành động này là gì? Có sự cố gì không sau khi con tàu thực hiện hành động này?
- HMS Richmond đã đi qua eo biển Đài Loan trên hành trình từ Nhật Bản đến Việt Nam. Trước đó, chúng tôi đã hoạt động ở biển Hoa Đông để giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên.
Sự hiện diện của hải quân quốc tế ở eo biển Đài Loan là bình thường. Bất cứ nơi nào Hải quân Hoàng gia Anh hoạt động, chúng tôi đều tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.
Anh có một loạt lợi ích an ninh lâu dài ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhiều mối quan hệ quốc phòng song phương quan trọng. Việc triển khai nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, bao gồm tàu HMS Richmond, là một dấu hiệu cho cam kết của chúng tôi đối với an ninh khu vực.
Tất cả các tương tác mà chúng tôi có khi đi qua eo biển Đài Loan đều an toàn, chuyên nghiệp, bao gồm tương tác qua tần số vô tuyến.
* Chuyến thăm Việt Nam có vẻ là một bất ngờ vì không nằm trong lịch trình đã thông báo ban đầu? Ông có thể chia sẻ về điều này và mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này?
- Chúng tôi không báo trước lịch trình của nhóm tàu sân bay vì lý do bảo mật hoạt động. Bản thân tôi và tàu HMS Richmond rất vui mừng được đến thăm Việt Nam xinh đẹp.
Vai trò của chúng tôi là thể hiện cam kết của Anh về sự hiện diện bền bỉ và đáng tin cậy ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các đối tác khu vực quan trọng như Việt Nam.
Hai nước chúng ta có nhiều lợi ích và giá trị chung, bao gồm an ninh hàng hải, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và cùng tăng trưởng kinh tế.
Tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu" hậu Brexit bao gồm chiến lược "Hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", và chúng ta đang thấy rõ điều đó với sự hiện diện của nhóm tàu sân bay Anh. Anh nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này, bao gồm cam kết với ASEAN với tư cách là đối tác - đối thoại.
Chuyến thăm của HMS Richmond cũng đánh dấu mốc 10 năm Việt Nam và Vương quốc Anh ký bản ghi nhớ tại London năm 2011 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.
Với tôi, đây là chỉ dấu cho thấy cả Việt Nam và Anh đều giữ các cam kết của mình, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược. Cá nhân tôi chắc sẽ quay trở lại Việt Nam khi dịch lắng xuống để nhìn thấy và hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
* HMS Richmond là khinh hạm chống ngầm và Việt Nam là quốc gia giáp Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về năng lực săn ngầm của Việt Nam? Các hoạt động trong thời gian ở Việt Nam là gì?
- Chúng tôi chưa hiểu rõ về năng lực săn ngầm của Việt Nam vì chưa có các hoạt động kiểu này với Hải quân Việt Nam, nhưng tôi tin các hoạt động sắp tới giữa hải quân hai nước sẽ giúp ích.
HMS Richmond là một tàu chuyên nhiệm vụ săn tàu ngầm, bảo vệ tàu sân bay khỏi tàu ngầm của đối thủ. Nhưng tất cả thủy thủ trên tàu, bao gồm cả tôi, thích xem HMS Richmond như một con dao Swiss Army (ám chỉ sự đa nhiệm như dao xếp đa năng Thụy Sĩ - PV).
Chúng tôi có thể đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, từ chống cướp biển đến cứu trợ nhân đạo trong các thảm họa, thiên tai lớn.
Tàu HMS Richmond sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian ở Việt Nam, bao gồm các cuộc trao đổi và hoạt động diễn tập với Hải quân nhân dân Việt Nam.
Anh muốn mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam
Chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam của tàu HMS Richmond, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho biết Anh và Việt Nam đều là các quốc gia giáp biển. Hai nước đều coi trọng quyền tự do hàng hải, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển.
"Trong nhiệm kỳ của tôi với tư cách là đại sứ Anh tại Việt Nam, đây là chuyến thăm thứ ba của tàu hải quân Hoàng gia Anh đến Việt Nam.
Chuyến thăm của HMS Richmond tái khẳng định chiến lược hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Anh và cam kết của Anh trong việc mở rộng mối quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt trong khu vực" - đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh.
TTO - Sáng 27-9, khinh hạm HMS Richmond của Anh thông báo đang băng qua eo biển Đài Loan. Con tàu bật tín hiệu ngay trong lúc di chuyển như muốn gởi thông điệp tới Trung Quốc.
Xem thêm: mth.7182233210011202-hna-dnomhcir-smh-mah-hnihk-iov-nauq-iah-pat-neid-es-man-teiv/nv.ertiout