Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của năm lĩnh vực, gồm hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ. Đại diện một số hãng hàng không cho biết, họ vẫn đang nóng lòng chờ quyết định và hướng dẫn cụ thể từ Cục Hàng không Việt Nam. Thời gian dừng bay đã quá dài, các hãng phải chịu thiệt hại quá lớn do các khoản phí dừng, đậu, bảo dưỡng, bảo hành tàu bay.
Các hãng hàng không đang rất nóng lòng được mở lại các đường bay nội địa - Ảnh: Q.Thái |
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện hãng Vietravel Airlines (VU) cho biết, VU gia nhập thị trường đúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Việc cắt giảm dần số chuyến rồi ngừng toàn bộ các chặng bay khiến hãng thiệt hại nặng nề. Ngoài chịu chi phí sân bay, tàu bay, hãng còn lo phí hỗ trợ cho đội ngũ bay (tiếp viên, phi công, nhân viên mặt đất). Cứ khoảng 30 ngày, hãng phải khởi động các máy bay, thực hiện các chuyến bay giả định (chuyến bay không khách đến các cảng hàng không khác).
Đại diện VU nói: “Việc thực hiện các chuyến bay không khách này nhằm đảm bảo quy định về an toàn của ngành hàng không. Cũng giống như ô tô, nếu để lâu ngày không khởi động, máy móc sẽ hư, bình ắc-quy sẽ bị yếu hoặc hỏng. Phí bảo dưỡng một chiếc ô tô khoảng vài triệu đồng, còn máy bay thì tốn kém hơn nhiều, trong khi có hãng bay phải bảo dưỡng cả trăm chiếc”.
Vị này cho biết thêm, chính sách hỗ trợ ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn phi thực tế, như giảm 50% phí cất, hạ cánh cho các hãng bay đến hết năm 2021 trong khi các hãng bị buộc phải dừng bay.
Đại diện các hãng bay tư nhân cho hay, đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và hệ thống ngân hàng giống như Vietnam Airlines được hưởng. “Khi các hãng kinh doanh tốt thì trách nhiệm đóng góp cho Nhà nước và thực hiện các hoạt động xã hội cũng cao như Vietnam Airlines, thậm chí cao hơn. Nhưng, khi có chính sách hỗ trợ thì các hãng lại không được hưởng gì”, đại diện một hãng bay nói.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa. Một trong những quy định đáng chú ý trong bản kế hoạch là hành khách phải có xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Trong văn bản góp ý với Bộ GTVT về dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách, Bộ Y tế cho rằng không cần thiết xét nghiệm đối với người đã tiêm một liều vắc-xin sau ba tuần, đã tiêm đủ hai liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng.
Theo đại diện một số hãng bay, trong tuần trước, các hãng hàng không đã họp với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam để xây dựng và trình Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam “Quy trình kiểm soát hành khách xanh chuyến bay quốc nội” để có thể nối lại các chuyến bay nội địa an toàn. Trong quy trình này, hành khách được kiểm soát qua ứng dụng được cài trên điện thoại di động, không phân chia khu vực, sân bay. Nhưng về cơ bản, hành khách vẫn phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố phòng dịch như tiêm đủ hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Đến nay, những khúc mắc về kiểm soát dịch bệnh để nối lại các chặng bay vẫn chưa được giải quyết. Cách đây ít ngày, UBND TP.Hà Nội còn gửi văn bản đề nghị Bộ GTVT tiếp tục tạm dừng các chuyến bay thương mại nội địa và chở khách từ địa phương khác đến Hà Nội, trừ chuyến bay công vụ hoặc vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận người dân từ các tỉnh, thành phố khác về khi có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội. Lý do là dịch bệnh ở các tỉnh, thành phía Nam và một số địa phương khác còn phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các địa phương khác vào TP.Hà Nội còn rất cao.
Ngày 1/10, thông tin từ Cục Hàng không, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức vận tải hành khách từ ngày 01/10/2021. Theo đó, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn (cơ bản giống với dự thảo trước đó), áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý với hành khách đi máy bay, theo Bộ GTVT trường hợp khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm. Nếu không đáp ứng yêu cầu trên, hành khách sẽ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Ngoài ra quy định bắt buộc với hành khách đi máy bay phải tuân thủ quy tắc 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế… |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.3127441a-yab-coud-oan-ihk-teib-auhc-nav-gnohk-gnah-gnah-cac/nv.moc.enilnounuhp.www