Sản xuất tại một doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 2-10, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ngày 1-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam ký thỏa thuận với Trưởng Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Thỏa thuận này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam trong đàm phán với Mỹ để khép lại vụ điều tra 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam.
Việc ký thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là cơ sở để Chính phủ Mỹ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ, góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam.
Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định pháp luật bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, phù hợp với các quy định liên quan của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phía Mỹ đánh giá cao thỏa thuận này vì đây là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy môi trường bền vững, là hình mẫu cho Mỹ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu.
Thỏa thuận thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.
Đồng thời, sẽ thúc đẩy sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Mỹ, khuyến khích phát triển trồng rừng nguyên liệu trong nước, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Đại sứ Katherine Tai cho biết thỏa thuận đưa ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra và chưa có biện pháp thương mại nào được đưa ra vào thời điểm này. Trong tương lai, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ giám sát việc thực hiện thỏa thuận của Việt Nam.
"Tôi đánh giá cao Việt Nam đã cam kết giải quyết những quan ngại của chúng tôi liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, bao gồm cả việc thông qua Nhóm công tác về gỗ mới được thành lập" - Đại sứ Katherine Tai nói.
Trước đó, tháng 10-2020, USTR đã khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật thương mại Hoa Kỳ năm 1974 nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.
Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Mỹ năm 2020 đạt mức 7,4 tỉ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Ngay trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt mức 6,4 tỉ USD, tăng trưởng 58,8% so với cùng kỳ 2020.
TTO - Nguồn nguyên liệu gỗ thu hoạch tại Việt Nam hàng năm đủ để sản xuất 8,4 triệu m3 gỗ dán, cao hơn gần gấp 4 lần lượng gỗ dán xuất khẩu, mở ra nhiều khả năng thoát cáo buộc lẩn tránh thuế mà Mỹ đang điều tra.
Xem thêm: mth.49540050120011202-pahp-poh-tab-og-taos-meik-ev-nauht-aoht-yk-man-teiv/nv.ertiout