Theo FALMI, nhu cầu tuyển dụng tại TP.HCM trong quý 4 phần lớn là lao động qua đào tạo (trên 87%) - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
Thu hút lao động không chỉ là tăng lương
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) dự báo quý 4-2021, thành phố cần khoảng 43.000 - 56.000 nhân lực lao động bán thời gian tại các nhóm ngành nghề như dịch vụ, công nghệ thông tin, bảo vệ, cơ khí, chăm sóc khách hàng, giày da…
Ông Phan Kỳ Quan Triết - phó giám đốc FALMI - cho biết nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chế độ lương thưởng, phúc lợi và điều kiện làm việc thuận lợi để tuyển dụng nhân sự mới song song với liên hệ người cũ trở lại. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm quan trọng của các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu người dân cuối năm và xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đi lại thuận tiện, nhà máy đảm bảo sản xuất an toàn… Hiện để giữ chân công nhân, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã chủ động tăng lương thưởng, phúc lợi cho người lao động; cải tạo môi trường làm việc; đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ…
Dù vậy, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sớm tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động, hỗ trợ tìm kiếm công nhân, hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, lập các bệnh viện mini (xét nghiệm nhanh, có tủ thuốc)… để nhà máy, nhà xưởng tăng tốc "guồng sản xuất".
Doanh nghiệp quan tâm người lao động từ bữa ăn, đi lại, nơi ở để công nhân yên tâm trở lại nhà máy - Ảnh: GIANG SƠN ĐÔNG
Cơ quan chuyên môn đã có giải pháp "đón đầu"
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết để giải bài toán nhân lực lao động cho TP.HCM sau khi nới lỏng giãn cách, cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chung tay thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Trong đó, đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là ưu tiên hàng đầu để người lao động yên tâm trở lại làm việc. Chính quyền và doanh nghiệp cần phối hợp tăng cường năng lực y tế nhằm điều trị kịp thời các ca F0 và bố trí nơi làm việc đảm bảo sản xuất an toàn.
Dẫn con số 780.000 hộ lao động trọ ở TP.HCM, ông Hồi nhấn mạnh, để người lao động gắn bó lâu dài, thu hút người mới thì thành phố, doanh nghiệp cần bố trí quỹ đất để xây nhà ở, nhà trẻ cho công nhân ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động đồng thời tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực.
Theo Thứ trưởng Hồi, các bộ ngành trung ương cần phối hợp để tham mưu với Chính phủ giảm thủ tục hành chính, giảm giá chi phí đầu vào và mở rộng thị trường hàng hóa. Tiếp nữa, hoàn thiện đảm bảo giao thông thông suốt, lưu thông hàng hóa. Sắp tới, các cơ quan ban ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, thu hút người lao động...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội - cho hay giải pháp đã có nhưng khó nhất là ưu tiên triển khai việc nào trước, việc nào sau.
Theo ông Huân, Nhà nước cần ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, cùng với đó là có các chính sách an sinh, tài khóa, tín dụng. Các địa phương phải ban hành chính sách dành đất khu công nghiệp xây dựng thiết chế văn hóa xã hội, nhà mẫu giáo, quy hoạch trường học, kết nối giao thông với khu dân cư… để lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc.
"Khi dịch tới, người lao động rất khó khăn, tích lũy không nhiều, một phần gửi về gia đình, một phần chi cho sinh hoạt phí nên tâm lý muốn về quê. Tuy nhiên, thị trường lao động phục hồi thì họ sẽ cân nhắc đi làm lại. Khi đó, vai trò kết nối của các trung tâm dịch vụ việc làm rất quan trọng. Nếu được, doanh nghiệp và địa phương có thể hỗ trợ ban đầu để người lao động ổn định cuộc sống khi quay trở lại", ông Huân nói.
TTO - Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như miễn giảm thuế, lãi suất cho vay... Mức chi hỗ trợ của Việt Nam đạt 1,7% GDP, thấp so với nhiều nước trong khu vực.