Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Ảnh: VGP
Tập trung kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Mở đầu cuộc họp báo Chính phủ chiều 2-10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, thống nhất đưa ra các biện pháp, giải pháp cấp bách, chưa có tiền lệ để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.
Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bối cảnh tình hình hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo, nên phải chủ động, thích ứng với tình hình dịch bệnh trong bối cảnh độ phủ vắc xin chưa cao, mở cửa có lộ trình, đảm bảo an toàn, gắn với ba trụ cột chính: cách ly ở phạm vi hẹp nhất, nhanh nhất có thể, chặt chẽ đúng nguyên tắc, đảm bảo hiệu quả; xét nghiệm khoa học, hiệu quả, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị phải có sự phân loại, chăm sóc, tiếp cận y tế từ xa, từ cơ sở, không để quá tải hệ thống y tế, hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Thủ tướng lưu ý các địa phương tuyên truyền vận động người dân ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát. Trường hợp người lao động quyết tâm về quê thì tổ chức đưa đón có trật tự, an toàn, không gây ách tắc, thực hiện đồng bộ giải pháp, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố phát triển hệ thống y tế cơ sở, tăng cường y tế lưu động, để người dân tiếp cận y tế từ sớm, từ xa…
Ông Sơn cho biết: Tới đây Chính phủ sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời về các giải pháp phòng chống dịch. Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế xã hội, Chính phủ đánh giá còn nhiều thách thức đặt ra khi biến chủng Delta lây lan nhanh, tấn công vào nhiều trung tâm kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp tập trung đông người… chiếm tới trên 60% GDP và thu ngân sách của cả nước, trong khi hệ thống y tế cơ sở chủ yếu là công tác y tế dự phòng nên quá tải, chưa đáp ứng được, thiếu trang thiết bị xét nghiệm, vật tư…
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, có các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế, đảm bảo việc áp dụng thống nhất trong vận chuyển, triển khai các giải pháp kịp thời trong hoạt động các khu công nghiệp, giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực giành đơn hàng trong mùa cao điểm, giải pháp đảm bảo về lao động, đưa người lao động trở lại làm việc, khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh…
Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, có các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế... - Ảnh: VGP
Sẽ có hướng dẫn cụ thể để tránh "tùy tiện"
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi liên quan đến dự thảo thích ứng an toàn dịch bệnh đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, vẫn còn nhiều nội dung băn khoăn như trong trường hợp doanh nghiệp có F0, F1 thì có bị phong tỏa hoặc đóng cửa hay không, cấp nào ra quyết định và việc mở lại ra sao? Nếu hướng dẫn này được ban hành thì có bãi bỏ chỉ thị 15, 16 và 19 hay không?
Báo Tuổi Trẻ cũng nêu vấn đề: Hướng dẫn liệu có khắc phục được tình trạng thực thi bất cập hiện nay khi Chính phủ và Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng nhiều địa phương vẫn tùy tiện áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát vận chuyển, đi lại, xét nghiệm? Hay như tình trạng người dân tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê, mỗi địa phương ứng xử khác nhau thì vấn đề này được giải quyết thế nào?
Trả lời các câu hỏi của báo Tuổi Trẻ, ông Đỗ Xuân Tuyên - thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay trong tình hình mới, thích ứng an toàn sẽ thực hiện theo nguyên tắc 5K, vắc xin, thuốc và ý thức của người dân, cách ly an toàn hiệu quả, điều trị từ sớm từ xa…
Với trường hợp doanh nghiệp có ca F0 ở phân xưởng thì không phải đóng cửa cả nhà máy mà khoanh vùng phân xưởng đó, đưa F0 đi cách ly điều trị y tế, sàng lọc và đưa F1 cách ly, thực hiện phun sát trùng khử khuẩn, sau 24 tiếng đưa lực lượng mới đã được kiểm soát quay trở lại hoạt động.
Về xét nghiệm, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn với mẫu xét nghiệm PCR có thể gộp, vừa để hiệu quả xét nghiệm nhanh hơn và hiệu quả kinh tế.
Về chỉ thị 15, 16, Bộ Y tế đang tiến hành rà soát và đánh giá lại, với tình hình dịch bệnh hiện nay trong tình hình mới sẽ nghiên cứu, tham mưu, trình Thủ tướng xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có các chỉ thị mới thay thế. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang rà soát, nghiên cứu để có báo cáo đề xuất hết sức cụ thể.
Trường hợp người dân thành phố về địa phương một cách tự phát, Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhiều địa phương, thành phố có dịch là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương có công dân về quê với TP.HCM, đăng ký để đưa công dân về quê, thực hiện giám sát và cách ly y tế.
"Thời gian qua thực hiện và tổ chức rất tốt, nhưng cũng có một số công dân tự phát, tự di chuyển, nên chúng tôi cũng có văn bản chỉ đạo, khi về địa phương thì tiếp nhận đưa vào khu cách ly, theo dõi y tế để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tránh lây lan trong cộng đồng. Ngay sáng nay họp Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh phải phối hợp", ông Tuyên nói.
TTO - Ngày 2-10, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết UBND tỉnh đã chuẩn bị điều kiện đón người dân từ TP.HCM và các tỉnh về địa phương sau khi nắm thông tin người dân tự phát về quê.
Xem thêm: mth.28514617120011202-euq-ev-mat-teyuq-nad-iougn-nod-aud-cuhc-ot-gnout-uht/nv.ertiout