Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và phức tạp đã biến Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất về mọi mặt. “Dư chấn” của những đợt dịch trước chưa qua, đợt dịch này lại dồn đến đã khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng mọi bề.
Phố biển giữa bộn bề khó khăn chồng chất
Chưa bao giờ người ta thấy thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng lại buồn như năm nay. Cả mùa hè chói chang với biển xanh cát trắng nắng vàng nhưng những bãi biển hầu như tịnh không một bóng người. Đến ngay người dân thành phố này dẫu thèm khát có được một ngày để thoả thuê vùng vẫy trong từng con sóng biển dạt dào, nhưng mong muốn ấy dường như cũng trở thành thứ ao ước nhỏ nhoi mà xa xỉ.
Năm 2021, thành phố bắt đầu ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 3.5. Từ ngày 28.7, dịch COVID-19 có xu hướng tăng nhanh và xuất hiện nhiều ổ dịch. Tính đến ngày 22.9, thành phố đã ghi nhận 4.884 ca mắc. “Dư chấn” từ những đợt dịch trước chưa kịp lắng xuống thì “cơn bão” dịch lần này tràn đến khốc liệt hơn. Điều đó đặt chính quyền Đà Nẵng trước những bài toán cân não là phải làm thế nào để vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân nhưng không để dân phải chịu cảnh đói cơm, thiếu áo, lại vừa không để mọi hoạt động kinh tế, sản xuất bị đứt gãy.
Nhưng vì sức khoẻ và tính mạng của người dân là trên hết, trong hơn 20 ngày kể từ ngày 16.8, thành phố đã buộc phải áp dụng biện pháp “chưa từng có trong tiền lệ”, đó là phong toả cứng toàn thành phố theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”, tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, người dân không được phép ra khỏi nhà, mọi chuyện từ cân gạo, nắm rau, lon muối thành phố cũng phải lo đến tận nhà cho dân; doanh nghiệp thì áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% đối với các doanh nghiệp. Ngay đến cánh phóng viên nhà báo vốn ít nhiều được ưu tiên đi lại tác nghiệp trong các đợt dịch trước thì nay cũng phải ôm chăn chiếu lên cơ quan thực hiện “3 tại chỗ” nếu muốn được cấp thẻ tác nghiệp nhưng với số lượng cho phép cũng rất hạn chế.
Cuộc chiến quyết liệt không khoan nhượng ấy đã giúp Đà Nẵng khống chế được khả năng lây lan của dịch bệnh, bảo vệ được an toàn sức khoẻ cho nhân dân nhưng nó cũng đã tác động nặng nề đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là tình hình hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp. Đó là những tổn thất đã biết trước nhưng không thể tránh khỏi.
Đợt dịch lần này đã làm cho giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực của thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, đồng thời đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 31,3%; sản xuất công nghiệp giảm 4,16%; tổng vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ giảm mạnh tới 88,58%. Hoàn tất thủ tục giải thể cho 542 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 2.297 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 15.049,8 tỉ đồng, bằng 69,1% dự toán HĐND thành phố giao…
Có thể nói, 9 tháng đầu năm 2021 thực sự là quãng thời gian đầy khó khăn và bộn bề lo toan của Đà Nẵng. Một nỗi lo lớn có lẽ không chỉ của riêng ai hay bất cứ địa phương nào khi đối diện với bão dịch COVID-19 tàn khốc như hiện nay.
Tăng “sức đề kháng” của thành phố bằng chính “sức khoẻ” của doanh nghiệp
Để sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới, ngay sau khi tình hình dịch cơ bản được khống chế, ngày 24.9 Đà Nẵng đã nhanh chóng tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”. Hội nghị gồm 2 phiên dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với sự tham dự của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và hơn 200 đại biểu tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, khẳng định thành phố luôn xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt, sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng, bởi đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển. Do đó, Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” được tổ chức để lãnh đạo thành phố có thể trực tiếp lắng nghe các tâm tư, chia sẻ cũng như nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng.
“Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng”, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp FDI là bộ phận không thể tách rời, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nền kinh tế thành phố và cung cấp nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp địa phương. Thành công của doanh nghiệp FDI cũng chính là thành công của thành phố. Dịch bệnh COVID-19 là rủi ro không mong muốn, vì thế lãnh đạo thành phố cam kết luôn “đồng hành” cùng doanh nghiệp, cố gắng khắc phục những gì làm chưa tốt trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam để các doanh nghiệp FDI phục hồi, phát triển và kinh doanh hiệu quả, lâu dài tại Đà Nẵng.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, bên cạnh những giải pháp đang được tiến hành, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu triển khai các nhóm giải pháp mới để tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất trong thời gian tới. Trong đó có những giải pháp then chốt mang tính cơ bản và lâu dài như: Hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistic, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp; hỗ trợ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động mới tại các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ Quỹ đầu tư Phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh; triển khai chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân; miễn phí kinh phí đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ cho phép gia hạn thuê đất đối với đối với thuê đất theo hiện trạng sử dụng; cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...
Đặc biệt, thành phố đã thành lập 2 Tổ công tác liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về đất đai, quy hoạch, tài chính và các vấn đề có liên quan khác đối với các dự án, khu đất trên địa bàn thành phố…Nhằm xây dựng các giải pháp thích ứng với an toàn dịch bệnh, trên cơ sở đó từng bước ổn định, khôi phục và thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội sau khi kiểm soát được dịch bệnh, Đà Nẵng cũng đã dự thảo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, dự kiến cuối tháng 9.2021 đạt 95% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1; cuối tháng 10.2021 đạt 100% tiêm vaccine mũi 1 và 22,1% tiêm vaccine mũi 2; và đến cuối năm 2021 đạt 100% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Với những giải pháp đồng bộ và kịp thời trên, Đà Nẵng tin tưởng rằng với sự quyết tâm đồng lòng từ doanh nghiệp và chính quyền, thành phố sẽ sớm vượt qua khó khăn tạm thời, phục hồi mạnh mẽ và bước vào trạng thái bình thường mới, tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng xứng danh “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”, là đầu tàu kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đà Nẵng đã xây dựng dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 với 3 cấp độ: Thấp, Trung bình và Cao. Trong đó khu vực Công nghiệp - Xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực Dịch vụ; khu vực Nông, Lâm, Thủy sản cơ bản duy trì như những năm trước. Cụ thể: Kịch bản Thấp với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 4,47% so với năm 2021; Kịch bản Trung bình là GRDP năm 2022 đạt 5,75%; và Kịch bản Cao là GRDP năm 2022 đạt 7,01% so với năm 2021.
Xem thêm: odl.422859-uas-aihp-ial-ob-ib-peihgn-hnaod-ed-gnohk-gnan-ad/naut-iouc-gnod-oal/nv.gnodoal