Mua bán tôm cá trong nắng sớm trên đập Cửa Lác, đầu nguồn phá Tam Giang - Ảnh: THÁI LỘC
Từ đập Cửa Lác, Nguyễn Hiển - một ngư dân xã Điền Hòa - chở tôi đi thăm vùng cửa sông Ô Lâu. Năm nay gần 50 tuổi, Hiển là dân đầm phá chính hiệu, nhiều đời lênh đênh trên mặt nước nên tỏ vẻ rành rẽ lắm.
Tam Giang - sông 3 cửa
Anh Hiển cũng rất tự hào vì tổ tiên mình là cụ Nguyễn Phúc Lang, người khai nghệ (tổ nghề) trúc đăng, tức nò sáo trên phá, được lập miếu thờ cạnh đình làng Lai Hà ngay gần đập Cửa Lác. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh cho biết nhà thơ Tố Hữu là hậu duệ đời thứ 13 của tổ nghề trúc đăng Nguyễn Phúc Lang (Làng).
"Xịch, xịch, xịch..." - tiếng máy nổ giòn ngay sau khi Hiển cầm cần quay mạnh; anh hướng đò theo phía ngược dòng, trong cơn gió lớn và sóng vỗ khá cao.
"Mình đang đi trên nhánh bên trái của sông Ô Lâu. Từ phía cầu Hòa Xuân về, sông Ô Lâu chia ra ba nhánh rồi gặp nhau lại ở đập Cửa Lác. Tui nghe người xưa nói Tam Giang chính là ba nhánh sông ni đây, hắn tạo ra hai cồn nổi lớn, mà trước mặt anh chính là cồn Thót, còn bên tê là cồn Thồ Hàm. Vùng ni có tới chín cồn nổi cả thảy" - Hiển vừa đánh lái, vừa nói như thét tranh với tiếng máy nổ của con đò.
Từ trước tới nay có khá nhiều cách giải thích về tên gọi Tam Giang. Trong đó, nhiều người cho rằng do ba con sông lớn trên địa phận Thừa Thiên Huế đổ vào là sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu.
Tuy nhiên, sông Bồ là phụ lưu của sông Hương, còn sông Hương thì hợp lưu với phá Tam Giang đoạn hạ nguồn. Thực địa kèm với lời Hiển theo người xưa truyền lại chứng minh hạ nguồn sông Ô Lâu là sông ba cửa, tức Tam Giang. Điều này được xác định rõ ràng trong sử sách.
Sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức viết về phá Tam Giang: "Ở địa phận hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước gọi là biển cạn (Hạt Hải). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên hiện nay, nam bắc dài 30 dặm, đông và tây rộng chừng 6 dặm.
Từ hạ lưu sông Lương Điền chảy xuống phá, về phía tây nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu, mỗi dòng đều chảy chừng 2, 3 dặm mà vào nên gọi là phá Tam Giang. Lại chảy về phía đông nam 25 dặm mà hợp với sông Hương để ra cửa Thuận An. Nước sông sâu rộng, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi nên đề phòng".
Phá là "biển cạn"
Phá Tam Giang từng có nhiều tên gọi như Hạc Hải hay Thiển Hải, tức biển cạn. Đầu triều Minh Mạng, năm 1821 vua từng đặt tên phá là Tam Giang Hải Nhi và Hà Trung Hải Nhi. Trước đó, phá Tam Giang xuất hiện trong nhiều sách sử từ rất sớm. Sách Đại Nam thực lục tiền biên được xem lần đầu nhắc đến tên này khi ghi rõ chính là nơi chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mất vào năm 1648: "Ngày Tân Mão, về tới phá Tam Giang, băng ở thuyền ngự, ở ngôi 13 năm, thọ 48 tuổi".
Khái niệm "phá", theo Từ điển tiếng Việt 1997 (Hoàng Phê chủ biên) là: "Vùng nước mặn có dải đất, cát ngăn cách với biển, thông ra cửa biển bởi một dòng nước hẹp".
Cách giải thích này thiếu chính xác với phá Tam Giang, vì đây là vùng nước lợ. Trong khi nhiều thủy vực đúng nội hàm trên người ta lại gọi là đầm. Từ điển Tự vị Annam - Latin của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772 - 1773) giải thích gọn lỏn: "phá: phá". Còn Từ điển Annam - Latin được cho của Editum A J. L. Tabeld (1838) lại giải thích: "phá: biển".
Một số sách xưa cũng giải thích "phá" là vụng biển. Tất nhiên, sách sử ngày xưa rất nhiều trường hợp đồng nhất giữa phá và đầm. PGS.TS Tôn Thất Pháp, với sự nghiệp gần như gắn liền với việc nghiên cứu sinh học vùng đầm phá, nói rất tâm đắc với điều người xưa dùng chữ "phá" đặt cho vùng nước lợ như Tam Giang, quá hay, phân biệt rõ với biển và đầm...
Nguyên thủy, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, phá Tam Giang chỉ vùng cửa sông Ô Lâu. Ngoài phá Tam Giang, tên gọi từng đoạn thường theo tên cộng đồng (làng) sở hữu mặt nước. Có khá nhiều làng trong đó, vì có công lao hoặc làm cho đơn vị thủy quân của triều đình nên được giao sở hữu khai thác mặt nước đầm phá (được xem là "ngư điền", tức ruộng cá) và mặt nước được giao thường mang tên làng ấy. Đó là các phá: Bác Vọng, Thủy Tú, Hà Trung...
Riêng trường hợp tên gọi đầm Cầu Hai, xưa vốn là phá Hà Trung, dân gian gọi là đầm Đã. Làng Cầu Hai nguyên xưa tên là Cao Đôi, thời chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái phải đổi thành Cao Hai vì phạm húy tên mẹ chúa là Tống Thị Ngọc Đôi (vợ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần). Thời thuộc địa, người Pháp viết là Cau Hai, lâu dần gọi thành Cầu Hai và gọi tên chung cho vùng nước cạnh làng, cho dù dân Cầu Hai thuần nông, chưa từng đánh cá dưới phá...
Nhìn từ trên cao, sông Ô Lâu đổ về bằng ba nhánh chính, cũng là xuất phát tên gọi Tam Giang - Ảnh: TAM GIANG
Một viên ngọc sinh học quý giá
Hàng ngàn năm trước, quá trình biến động địa chất, một cồn cát nổi lên trải dài từ huyện Hải Lăng phía nam Quảng Trị vào đến chân núi Ngũ Phong phía nam Thừa Thiên Huế, tạo nên một thủy vực nước lợ rộng lớn. Suốt hơn cả nghìn năm, hầu hết các con sông lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế đổ về mặt nước này và đổ ra cửa biển Tư Hiền.
Lịch sử ghi nhận một cửa biển thứ hai mở mới gần cửa biển Thuận An hiện nay, nhân trận lụt năm 1404, thời Hồ Hán Thương. Kể từ đó, đầm phá Tam Giang có hàng trăm năm biến động lấp mở, đổi thay các cửa biển.
Đầm phá Tam Giang là một bước trong quá trình "biển lùi" tạo thành đồng bằng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vùng đầm phá này đã qua giai đoạn trưởng thành cường tráng và đang trong quá trình lão hóa.
Thậm chí có người còn cho rằng nó ở cuối giai đoạn lão hóa, nếu không tìm cách duy trì tuổi thọ để hưởng sự giàu có quý giá của hệ sinh thái đặc biệt vùng nước lợ thì sẽ nhanh chóng biến thành đồng bằng bạc màu. Một số nhà chuyên môn cho rằng đầm phá Tam Giang đang có chiều hướng "phân dị" thành hai thủy vực, trong đó thủy vực phía nam cửa Thuận An có mức độ đóng kín hơn so với thủy vực phía bắc...
Các chuyên gia quốc tế nhận xét phá Tam Giang là "một viên ngọc sinh học quý giá". Thủy vực này là một hệ đệm giữa biển và lục địa, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cân bằng tự nhiên và sinh thái ven bờ, ảnh hưởng và tác động đến vi khí hậu khu vực cùng nhiều mặt quan trọng khác, gồm cả lưu giữ và cung cấp thức ăn lẫn nguồn giống tôm cá cho biển lẫn các loài chim...
Đây được xem là "kho" dinh dưỡng giàu có ở vùng ven bờ biển nghèo kiệt, trở thành một nguồn sống cho khoảng 1/3 dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế, 33 phường xã thuộc 4 huyện và TP Huế.
Vùng đầm phá Tam Giang dài 68km, rộng 216km2, phân chia thành ba khu vực. Phá Tam Giang từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An dài 25km, rộng 52km2. Đầm Thủy Tú nối tiếp từ cầu Thuận An đến cồn Trai, dài 33km, rộng 60km2 (gồm cả đầm An Truyền, Thanh Lam, Hà Trung và Thủy Tú). Lớn hơn cả là đầm Cầu Hai, rộng 104km2 (nguồn: sách Địa chí Thừa Thiên Huế)
"Muốn hình thành phá thì phải là nơi có bờ biển thoai thoải, bên trong có sông, và có dòng hải lưu mang trầm tích đùn lên thành đê cát, chặn dòng nước từ trong sông đổ ra; dòng nước bên trong tống và "xẻ" con đê cát để tạo ra các cửa biển, thành nên phá" - PGS.TS Tôn Thất Pháp.
---------------------
"Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Tưởng chừng không còn bàn cãi cái truông Nhà Hồ nổi tiếng ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Lạ thay, Thừa Thiên Huế cũng có một truông Nhà Hồ, lại nằm rất gần phá Tam Giang.
Kỳ tới: Có thêm một truông Nhà Hồ
TTO - Qua khỏi cầu Tam Giang, làng chài có tên là xóm Sáo (xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) hiện ra yên bình trong ánh chiều tà với hàng chục ngôi nhà chồ dựng trên mặt nước.
Xem thêm: mth.93590310220011202-aig-yuq-coh-hnis-cogn-neiv-1-yk-gnaig-mat-ahp-os-oh-ahn-gnourt-os/nv.ertiout