Ngày 11 tháng 11 năm 2019, tại một thành phố phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã ghi nhận 303.150 cây non được trồng xuống đất chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Đây được coi là chiến dịch trồng cây lớn nhất lịch sử từng được phát động.
Nhưng đó cũng mới chỉ là một phần trong sáng kiến "Hơi thở cho tương lai" được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Chỉ trong một ngày hôm đó, 11 tháng 11, họ đã đặt mục tiêu trồng tổng cộng 11 triệu cây non trên khắp đất nước.
"Bằng cách trồng hàng triệu cây non, cả đất nước chúng ta đang nỗ lực để nuôi dưỡng một Thổ Nhĩ Kỳ mới xanh tươi", Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan phát biểu trong lễ khởi động dự án ở Ankara.
Mọi thứ đến đây có vẻ rất hứa hẹn. Nhưng đến tháng 1 năm 2020, khi mọi sự rùm beng của chiến dịch đã lắng sâu xuống, các phóng viên của The Guadian quay lại Thổ Nhĩ Kỳ để xem tình trạng những cây non đã phát triển như thế nào? Họ ngạc nhiên nhận ra 90% số cây non được trồng xuống 2 tháng trước đã chết.
Người đứng đầu tổ chức nông nghiệp và công đoàn lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ trả lời báo giới rằng những cái cây đã được trồng không đúng thời điểm, không có đủ lượng mưa để nuôi sống chúng.
Một trong những cây con được trồng trong ngày 11 tháng 11 năm 2019 ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi Chủ tịch Quốc hội của họ Mustafa Şentop.
Trồng hàng nghìn tỷ cây xanh
Trong hai thập kỷ qua, các chiến dịch trồng cây hàng loạt như thế này đã dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Chúng xuất hiện như một biện pháp cứu cánh cho những tai ương mà chúng ta đang gặp phải, từ biến đổi khí hậu đến khủng hoảng tuyệt chủng.
Các công ty và tỷ phú thích những kiểu sáng kiến này. Các chính trị gia cũng vậy. Quả thực thì, trồng nhiều cây có gì mà không tốt cơ chứ? Cây cối giúp hấp thụ khí thải carbon một cách tự nhiên, chúng đồng thời cũng cung cấp tài nguyên cho con người, môi trường sống cho động vật hoang dã. Phủ xanh cảnh quan thậm chí còn rất đẹp, nó giống như một giải pháp win-win-win.
Duy chỉ có một vấn đề: Các chiến dịch này thường không đạt tới được thành công, và đôi khi chúng còn có thể tiếp tay cho nạn phá rừng.
Ví dụ, trong một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã xem xét những nỗ lực phục hồi rừng lâu dài ở miền bắc Ấn Độ, một quốc gia đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc trồng cây trong hơn 50 năm qua. Các tác giả không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc trồng rừng mang lại lợi ích đáng kể về mặt khí hậu cũng như hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng địa phương.
Nghiên cứu này là một trong những phân tích toàn diện nhất về các dự án phục hồi rừng được thực hiện cho đến thời điểm này, nhưng nó chỉ là một ví dụ trong một loạt các chiến dịch thất bại khiến chúng ta phải nghiêm túc đặt câu hỏi về giá trị thật mà các sáng kiến trồng cây hàng loạt này có thể đem lại.
Thông thường, các mục tiêu táo bạo mà những dự án này tuyên bố quá hấp dẫn đến nỗi che khuất được toàn bộ những thách thức liên quan đến việc nhìn thấu chúng, và cả các tác động tiềm ẩn có thể phá hủy hệ sinh thái ngay từ ban đầu nhưng chúng ta không để ý.
Năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã phát động một chiến dịch trồng 1.000 tỷ cây xanh.
Nếu bạn để ý trong 3 thập kỷ qua, số lượng các tổ chức sinh ra chỉ để trồng cây đã tăng vọt, tăng gần gấp ba lần chỉ tính riêng ở các vùng nhiệt đới. Số lượng các sáng kiến toàn cầu cũng vậy. Ngày nay, có không dưới 3 chiến dịch tập trung vào mục tiêu trồng 1.000 tỷ cây xanh. Vừa năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng khởi động một sáng kiến mới mang tên Một nghìn tỷ cây xanh.
Thật khó để xác định chính xác thời điểm mà chúng ta bị ám ảnh bởi việc trồng cây. Một số nhà khoa học nói rằng đó là từ Thử thách Bonn năm 2011, một dự án đặt ra mục tiêu khôi phục 150 triệu ha đất rừng bị suy thoái và biến mất trên toàn cầu vào năm 2020, 350 triệu ha vào năm 2030.
Những người khác nhấn mạnh một nghiên cứu gây tranh cãi xuất hiện gần đây trên tạp chí Science vào năm 2019. Họ nói rằng đó có thể chính là thứ đã truyền cảm hứng cho chiến dịch trồng hàng nghìn tỷ cây xanh của WEF.
Các tác giả của nghiên cứu này ban đầu lập luận rằng phục hồi cây xanh là "giải pháp thay đổi khí hậu hiệu quả nhất của chúng ta". Và hành tinh này thì còn "chỗ" cho 900 triệu ha cây trồng mới. Như tất cả các chiến dịch với lời hứa và những con số khổng lồ khác, gần 600 phương tiện truyền thông và báo đài trên toàn thế giới đã bị hấp dẫn bởi nghiên cứu này và tích cực đưa tin về nó.
Những ý kiến trái chiều ít khi được để ý. Một số nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ trích bài báo trên Science cùng ý tưởng đằng sau nó - rằng chúng ta có thể trồng cây để thoát khỏi biến đổi khí hậu, đồng thời giải quyết các vấn đề khác như mất mất đa dạng sinh học.
Các chỉ trích nói rằng lẽ ra các công ty và quốc gia nên tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính mà họ gây ra, một công việc khó thực hiện hơn nhiều. Và để trốn tránh cũng như lấp liếm nhiệm vụ này, thực hiện các chiến dịch trồng cây khổng lồ lại là một hướng đi dễ dàng mà lại gây được hiệu ứng truyền thông nên ai cũng muốn lao vào thực hiện.
Một vườn ươm cây ở Aimorés, Brazil nhìn từ trên cao.
Đa số các dự án trồng cây đã và sẽ thất bại
Các chiến dịch trồng cây thường có chủ đích tốt, nhưng chúng thường không mang lại những lợi ích mà chúng hứa hẹn, từ thu giữ carbon đến cung cấp nơi ẩn náu cho các loài động vật quý hiếm. "Các chương trình trồng cây quy mô lớn có tỷ lệ thất bại cao", nhóm tác giả của một bài báo do nhà nghiên cứu môi trường Forrest Fleischman đứng đầu cho biết vào năm 2020.
Một trong những ví dụ để chứng minh cho những thất bại này đến từ công việc nghiên cứu của Fleischman ở miền bắc Ấn Độ. Fleischman hiện là phó giáo sư tại Đại học Minnesota, người đứng đầu nghiên cứu đăng trên Nature gần đây cho biết nếu có một nơi nào đó mà các dự án trồng cây may ra đạt được tới thành công thì đó là ở Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ông nói, chính quyền bang có bề dày thành tích trong việc cung cấp các dịch vụ cho công chúng và đã trồng cây từ năm 1980.
Tuy nhiên, một phân tích hình ảnh vệ tinh và các cuộc phỏng vấn với hàng trăm hộ gia đình cho thấy hàng chục năm trồng cây của chính phủ với hàng trăm triệu cây giống đã được gieo xuống "hầu như không ảnh hưởng đến độ che phủ của tán rừng", Fleischman viết. Các nhà nghiên cứu cũng đo lường sự thay đổi của các loài cây trong hệ sinh thái và nhận thấy chúng không đem lại lợi ích hay tài nguyên cho cư dân tại Himachal Pradesh .
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Fleischman nghi ngờ một số lượng lớn cây giống có thể đã chết chẳng bao lâu sau khi chúng được trồng, đơn giản là bởi môi trường kém chất lượng. Ông nói động vật trang trại cũng có thể phá hủy cây non nếu chúng được trồng ở những địa điểm trước đó là bãi chăn thả gia súc.
"Các chương trình phục hồi rừng có nguồn lực tốt nhưng vẫn có thể không đạt được mục tiêu của chúng. Bởi vậy từ giờ trở đi, chúng ta cần phải hoài nghi hơn về những tuyên bố lớn được đặt ra từ phía các chương trình này", Fleischman viết.
Một trang trại ở Himachal Pradesh, Ấn Độ.
Ở những nơi khác trên thế giới, các dự án trồng cây không chỉ thất bại mà còn gây hại thêm cho hệ sinh thái bản địa.
Tại Mexico, chiến dịch trồng cây trị giá 3,4 tỷ USD do chính phủ nước này phát động vào năm 2018 đã thực sự là nguyên nhân thúc đẩy nạn phá rừng. Chương trình được gọi là Sembrando Vida, hay Gieo trồng cuộc sống, nhắm đến việc trả tiền cho mỗi cây giống mà nông dân trồng trên đất của mình.
Kết quả là trong một số trường hợp, người dân sẽ chặt rừng cũ để có đất trồng cây con xuống. Một phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy việc thực hiện sai chính sách ở Mexico đã khiến gần 73.000 ha rừng bị mất vào năm 2019.
Tại Pakistan, các nhà nghiên cứu nghi ngờ một chiến dịch trồng rừng lớn do chính phủ hậu thuẫn từ năm 2014 - sau này được gọi là Làn sóng thần tỷ cây xanh - đã gây ra sự xói mòn văn hóa và ảnh hưởng đến sinh kế của một nhóm dân du mục gọi là Gujjars.
Theo truyền thống, người Gujjars sẽ thuê đồng cỏ của các chủ đất ở Pakistan để chăn thả gia súc của họ vào mùa đông. Nhưng thông qua chiến dịch trồng cây, nhiều chủ đất đã thay thế đất chăn thả bằng cây non mới mọc.
Usman Ashraf, một nhà nghiên cứu tại Đại học Helsinki, viết trong một bài báo năm 2018: "Nhiều trong số những người Gujjar đã mất quyền tiếp cận vùng đất riêng mà họ từng chăn thả gia súc".
Các nhà nghiên cứu cũng đổ lỗi cho những nỗ lực trồng cây lớn ở Trung Quốc và Brazil đã làm suy giảm hệ sinh thái đồng cỏ. Trong khi đồng cỏ được biết đến là một bể lưu trữ lượng lớn carbon - hầu hết trong số đó nằm phía dưới mặt đất.
Đó cũng là ngôi nhà của vô số loài sinh vật. Tuy nhiên, những hệ sinh thái này đôi khi lại bị coi là suy thoái, nhiều người không hiểu biết sẽ biến chúng thành mục tiêu cần phải xoá sổ cho các chiến dịch phục hồi rừng.
Karen Holl, giáo sư nghiên cứu môi trường, một chuyên gia phục hồi tại Đại học California Santa Cruz cho biết: "Chúng ta cần đánh giá cẩn thận tất cả các hệ sinh thái chứ không chỉ bạ đâu trồng đấy rồi cắm cây cối xuống ở khắp mọi nơi".
Một nông dân đang kiểm tra cây giống tại một vườn ươm ở Karachi, Pakistan.
Giải pháp khôi phục rừng bền vững trong dài hạn
Giải quyết một vấn đề lớn như biến đổi khí hậu hay mất đa dạng sinh học không bao giờ là dễ dàng, và nó không đơn giản chỉ là việc trồng thêm nhiều cây xanh. Mọi người thường nghĩ, "chúng ta hãy trồng cây và gọi đó là một dự án phục hồi sinh thái", Robin Chazdon, một nhà nghiên cứu về rừng tại Đại học Sunshine Coast, cho biết. "Nhưng đó chỉ là cách mà chúng ta chuộc lại tội lỗi của mình khi đã xả thải carbon".
Trong đa số các trường hợp, điều đó không đúng. Các chương trình trồng cây rầm rộ có xu hướng che lấp thực tế rằng việc khôi phục hệ sinh thái rừng đòi hỏi một cam kết lâu dài về nguồn lực cùng với nhiều năm giám sát.
Nhà khoa học khí hậu Lalisa Duguma đồng ý: "Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ cần trồng cây là được. Vấn đề là những cái cây sau đó phải sống và phát triển". Ngay cả những cây phát triển nhanh cũng mất ít nhất 3 năm để trưởng thành, trong khi những cây khác có thể cần 8 năm hoặc nhiều hơn thế. Nếu chúng ta chỉ tập trung mọi nguồn lực cho việc trồng cây thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một nhu cầu đầu tư to lớn hơn sau đó, chính là phần quyết định đến kết quả sau này của dự án.
Khi Holl trực tiếp tham gia đánh giá các dự án thuộc chương trình Nghìn tỷ cây xanh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cô đã thực sự bị sốc khi nhiều đề xuất giám sát chỉ được thực hiện trong vòng 2 năm, thậm chí ngắn hơn. Khoảng thời gian đó thì chưa đủ để chúng ta thấy được hiệu quả carbon hoặc các lợi ích đa dạng sinh học mà dự án tuyên bố.
Một vấn đề lớn hơn là nhiều chiến dịch trồng rừng không tính đến các điều kiện kinh tế hoặc xã hội cơ bản dẫn đến nạn phá rừng. Người dân có thể chặt cây để lấy củi hoặc lấy đất cho gia súc của họ.
Trong những trường hợp đó, đặt cây con xuống đất sẽ không có tác dụng gì nhiều để chấm dứt nạn phá rừng. "Trồng cây có thể không phải là một biện pháp can thiệp có hiệu quả ở đây. Thay vào đó, sự can thiệp hiệu quả phải là việc giúp người dân thay thế củi đun của họ mà không phải lấy từ rừng", Fleischman nói.
Một dự án trồng cây ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.
Vấn đề này đã xảy ra ở Brazil sau vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon năm 2019. Nhóm các quốc gia hùng mạnh được gọi là G7 đã đề nghị trả tiền để trồng lại rừng và khôi phục lại lá phổi của Trái Đất.
Nhưng Holl cho biết đề nghị này không giải quyết được "các vấn đề cốt lõi của việc thực thi luật pháp, bảo vệ đất đai của người bản địa và cung cấp các động lực cho chủ đất để duy trì độ che phủ rừng".
Chỉ một năm sau khi các biện pháp được tiến hành, các vụ cháy và phá rừng ở Amazon thậm chí còn tăng mạnh. Tất nhiều người đang nghĩ rằng trồng cây là một biện pháp có thể bù đắp ngay lập tức cho vấn nạn phá rừng và mất rừng, nhưng đó chỉ là một giả định, một giả định sai lầm.
Thay vào đó, giải pháp thực sự và duy nhất để khôi phục hệ sinh thái phải bắt đầu từ việc hỗ trợ các cộng đồng bản địa và nông thôn, Fleischman nói. "Chúng ta hãy nhìn vào từng địa điểm và suy nghĩ về cách chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của người dân ở đó", ông nói. "Những người cần thiên nhiên để sống thì tự họ sẽ bỏ phiếu cho thiên nhiên".
Để việc trồng cây thực sự có hiệu quả
Nói đi cũng phải nói lại, không phải chương trình trồng và phục hồi rừng nào cũng dẫn đến thất bại. Chazdon, cố vấn cho chiến dịch trồng nghìn tỷ cây xanh của WEF cho biết: "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy khi việc trùng tu sinh thái được thực hiện đúng cách, nó sẽ hoạt động".
Hãy xem xét Pontal do Paranapanema, một khu vực ở miền nam Brazil là nơi sinh sống của các loài dễ bị tổn thương như khỉ sư tử đen quý hiếm. Trong 35 năm qua, một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Instituto de Pesquisas Ecológicas đã làm việc với các cộng đồng địa phương để trồng khoảng 2,7 triệu cây bản địa.
Cây cung cấp các sản phẩm hữu ích mà người dân địa phương mong muốn, chẳng hạn như trái cây để ăn và gỗ để xây dựng, thêm vào đó là một nguồn doanh thu mới từ việc bán cây giống. Đồng thời, những cây mới tạo ra một mạng lưới hành lang rừng đã giúp quần thể khỉ sư tử đen phục hồi. Trong trường hợp này, nó thực sự là một giải pháp win-win đôi bên cùng có lợi.
Một hành lang rừng ở Pontal do Paranapanema, Brazil, nay đã trở thành nhà mới cho loài khỉ sư tử đen.
Chazdon hiện đang cố gắng biên soạn lại các bài học thành công trong tập hợp các dự án trồng rừng hiệu quả. Công việc nằm trong một dự án được gọi là Restor dẫn dắt bởi Thomas Crowther, một trong số các tác giả của nghiên cứu gây tranh cãi năm 2019 trên tạp chí Science.
Bản thân Crowther cũng thừa nhận mục tiêu trồng một nghìn tỷ cây xanh mà báo chí nói về nghiên cứu của ông quá đơn giản và có thể gây hiểu nhầm. "Tôi ghét việc mọi người cứ hỏi tôi: Thế ông định trồng hàng nghìn tỷ cây xanh này ở đâu? Trong đời mình tôi chưa bao giờ nói rằng chúng ta nên trồng một nghìn tỷ cây xanh", Crowther nói.
Ở một động thái, ông và các đồng tác giả của mình thậm chí đã phải sửa đổi phần tóm tắt của nghiên cứu đăng trên Science để làm rõ tuyên bố của họ, rằng phục hồi rừng chỉ là "một trong những giải pháp hiệu quả nhất" để chống lại biến đổi khí hậu - đó không phải là giải pháp quan trọng nhất.
Nói tóm lại, rừng tất nhiên là tốt cho hành tinh. Chúng đang hấp thụ một lượng vô kể khí nhà kính, biến chúng trở thành một bức tường thành quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng các chiến dịch rùm beng tuyên bố trồng rừng hàng loạt có thể gây hại cho cả con người và hệ sinh thái khi tập trung nhiều hơn vào mục tiêu, số lượng cây xanh hơn là mục đích cuối cùng đằng sau nó.
Các chiến dịch này cũng khiến chúng ta mất tập trung khỏi công việc khó khăn hơn là giảm phát thải khí nhà kính. Đó là một thực tế phũ phàng mà chúng ta cần phải đối mặt, Holl nói. Con người không thể chỉ trồng cây, và chỉ trồng cây thôi thì không thể giúp chúng ta chống lại được biến đổi khí hậu.
Thanh Long
Pháp luật & bạn đọc