Phản ánh tới Báo Pháp luật TP.HCM, nhiều độc giả cho biết đang gặp khó khăn do bị chậm trả thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Một số bạn đọc cho hay dù đã làm thủ tục cấp CCCD cách đây 4-5 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được trả thẻ, dù đã nhiều lần liên hệ với công an địa phương.
Cấp giấy thông báo trong thời gian chưa trả CCCD
Theo Bộ Công an, sau nhiều tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành công an đã thực hiện trả khoảng 45 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử tới tay người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử. Việt Nam phải nhập khẩu chip từ nước ngoài, trong khi nhiều nước rơi vào tình trạng khủng hoảng về sản xuất chip gắn trên CCCD. Do vậy, đây là nguyên nhân khách quan tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ CCCD để trả cho người dân.
Lực lượng công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chip cho người dân. Ảnh: PB
Trao đổi với PV vào chiều 3-1, một lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho hay để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân khi bị chậm trả thẻ CCCD, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đã ban hành mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân nếu có nhu cầu sử dụng thẻ CCCD mà chưa được trả thì có thể đề nghị công an cấp xã nơi đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân sử dụng thông báo này này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo điều 5 thông tư 59/2021 của Bộ Công an, mẫu thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân được in trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Việc đề nghị cấp giấy thông báo là hoàn toàn miễn phí, người dân có thể dùng giấy này trong lúc chờ được trả thẻ CCCD gắn chip” - lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nói.
Tích hợp thẻ xanh COVID-19 lên thẻ CCCD
Cũng theo Bộ Công an, cơ quan này đang triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ CCCD gắn chip lan tỏa các mặt của đời sống xã hội phục vụ nhân dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức.
Bộ Công an đang triển khai tích hợp thông tin tiêm chủng của công dân lên thẻ CCCD gắn chip. Ảnh: PB
Đặc biệt, với tình hình phòng chống dịch cấp bách như hiện nay, công dân sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip đã được tích hợp thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng Chính sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và nhiều tiện ích khác.
Ngoài ra, thẻ CCCD gắn chip còn tích hợp người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,…)
Dữ liệu công dân được đối sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua quy trình xác minh đảm bảo chính xác. Với công dân được tiêm 2 mũi sẽ được tích hợp thẻ xanh, tiêm 1 mũi được tích hợp thẻ vàng trên thẻ CCCD gắn chip.
Lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết hiện C06 đã bắt đầu triển khai việc tích hợp thông tin thẻ xanh, tiêm chủng… của công dân lên thẻ CCCD. Lực lượng cảnh sát khu vực được yêu cầu rà soát, thu thập thông tin tiêm chủng của người dân, đối chiếu đảm bảo “đúng, đủ, sạch” trước khi cập nhật vào hệ thống Dữ liệu Quốc gia về dân cư.
“Đến nay, lượng dữ liệu tích hợp đã đạt ở mức bước đầu, dự kiến sẽ mất một khoảng thời gian cần thiết để thu thập đầy đủ thông tin” – vị lãnh đạo cho hay.
PV đặt vấn đề về khả năng liên thông dữ liệu tiêm chủng của ngành y tế với dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó tích thông tin tiêm chủng lên thẻ CCCD sẽ nhanh hơn? Lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cho hay đây cũng là một kênh thông tin để xem xét. Tuy vậy, dữ liệu tiêm chủng của ngành y tế đôi khi không đầy đủ (người đi tiêm không kê khai số CCCD hoặc địa chỉ…), dẫn tới việc khớp dữ liệu gặp khá nhiều khó khăn.