Tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng đã ôn lại 60 năm ngày truyền thống của lực lượng PCCC và CNCH.
Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC, nhiệm vụ không thể tách rời của công tác Công an và cơ quan Cảnh sát PCCC từ Trung ương đến địa phương, là đơn vị giúp Bộ Công an thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC.
Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời chính thức của lực lượng Cảnh sát PCCC và sau này, ngày 4/10 hàng năm được xác định là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.
20 năm qua, phong trào toàn dân PCCC đã có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, lĩnh vực.
Đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến gương người tốt, việc tốt, lực lượng PCCC cơ sở ngày càng được tăng cường, trở thành chỗ dựa vững chắc giúp lực lượng Cảnh sát PCCC hoàn thành tốt nhiệm vụ, là nền tảng xây dựng thế trận toàn dân PCCC, góp phần xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân, ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống cháy, nổ được nâng cao; số vụ cháy, nổ được kiềm chế; giảm số vụ cháy, nổ lớn và thiệt hại gây ra.
Việc ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trong PCCC được chú trọng...
Tại lễ kỷ niệm, Bộ Công an đã tặng bằng khen cho 2 tập thể; Cục PCCC tặng giấy khen cho 1 tập thể và 2 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen cho tập thể Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen cho 2 tập thể và 20 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.
Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên với địa hình tương đối hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Mùa mưa kéo dài gây lũ lụt nhiều nơi, mùa nắng thì hanh khô gây hạn hán, cháy rừng.
Nhiều năm qua, CBCS Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng đã xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và TTATXH tại địa phương.
Nhiều vụ cứu nguy "ngàn cân treo sợi tóc", trở thành những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề của các chiến sĩ trực tiếp tham gia và đông đảo người chứng kiến.
Điển hình như công tác CNCH giúp nhân dân vượt lũ lịch sử tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương, vào chiều 8/8/2019.
Theo đó, sáng cùng ngày, địa phương xảy ra một trận lũ lớn, mưa kéo dài, nước từ thượng nguồn phía đập thủy điện Ankroet đổ về làm mực nước ở các sông, suối dâng cao. Nước chảy xiết đã khiến nhiều cây ngã đổ, một số nông trại bị nước làm ngập, cuốn trôi nhiều nhà dân, cầu cống, hồ cá... Nguy hiểm nhất là cây cầu bê tông bắc qua suối đã bị nước cuốn trôi. Trên cồn đất có khu nhà kính là nơi nhiều người dân, công nhân và trẻ em đang sinh sống và làm việc đã bị cô lập.
Nhận tin báo, lãnh đạo Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng nhận định, đây là sự cố thiên tai nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng con người; Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng - Trưởng phòng đã lập tức tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh nhanh chóng chỉ đạo, huy động khoảng 100 CBCS cùng hàng chục phương tiện, thiết bị chuyên dụng của đơn vị gồm cano, xuồng máy cao su, xe CNCH... đến hiện trường.
Lúc này, dòng nước suối đã dâng cao và chảy xiết nên cano không thể sử dụng được. Trước tình thế cấp bách, yêu cầu nỗ lực cứu người bị nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, lãnh đạo phòng trực tiếp ở hiện trường, quyết định đưa ra phương án căng một sợi dây cáp từ đầu bên này sang bên kia con suối để CBCS đu dây tiếp cận, giải cứu người dân bị mắc kẹt.
Lo sợ sợi dây sẽ bị trùng đoạn giữa con suối do người dân không biết cách thắt nút dây, anh đã chỉ huy CBCS đu mình qua suối cột căng sợi cáp và động viên, trấn an tinh thần, hướng dẫn người dân đu dây sang bờ an toàn.
Đội CNCH đã tiến hành sắp xếp thứ tự ưu tiên cứu nạn trước từ trẻ em, phụ nữ, người già... Lần lượt từng người dân được đeo đai cứu nạn chuyên dùng, kết nối vào khóa carabinner để treo mình trên dây, trượt trên khóa carabinner, đồng đội bờ phía bên kia sẽ hỗ trợ kéo qua.
Ban Chỉ huy CNCH đã cẩn thận cố định một chiếc lồng gà bằng sắt để đưa phụ nữ và trẻ em qua bờ an toàn. Sau khoảng 5 tiếng nỗ lực, quyết tâm cứu người, thậm chí có những phút đến nghẹt thở của các lực lượng có mặt tại hiện trường, đã giải cứu thành công 41 người dân, trong đó có 7 trẻ em (cháu nhỏ nhất mới khoảng 1 tuổi), 5 phụ nữ, 2 người già gặp nạn.
Lúc này tất cả mọi người có mặt tại hiện trường đã thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người dân đã khóc trong sự may mắn khi mình đã được an toàn.
Công tác CNCH trên cạn đã khó thì công tác CNCH dưới nước càng khó hơn vì CBCS phải đối mặt với nhiều thử thách như dòng nước lạnh giá, chảy xiết, có khả năng bị thương và hi sinh là rất lớn, đòi hỏi nghiệp vụ CNCH phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và bản lĩnh vững vàng, tinh thần khẩn trương, sự sáng tạo trong thực tế công tác.
CBCS Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng còn khiến nhiều người dân xã Ka Đơn, H.Đơn Dương tấm tắc khen ngợi qua vụ cứu nạn giải cứu thành công bé gái mắc kẹt giữa khe hẹp của 2 ngôi nhà tại xã Ka Đơn, năm 2019 và một số vụ hoả hoạn xảy ra tại đây.
Cũng trong năm này, CBCS của phòng đã không quản ngại gian khó, mùi xú uế nồng nặc, ròng rã suốt 7 ngày đêm chống chọi giặc lửa và khói khí độc hại tại bãi rác Cam Ly (phường 5 - TP.Đà Lạt), khi bác rãi có sức chứa hàng trăm tấn này bị bùng cháy, cháy âm ỉ, lan rộng.
Ngoài ra là vụ kịp thời cứu hoả vụ cháy lớn gần Tịnh Thất Quan Âm (Đà Lạt)… Trong khoảng 5 năm qua, Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng cũng tham gia cùng các lực lượng khác, như dân quân, bộ đội tham gia trực tiếp cứu hàng chục nạn nhân bị đuối nước ở một số hồ, suối trên địa bàn; tìm và trục vớt hơn 10 nạn nhân gặp nạn mỗi đợt mưa lũ tràn về bất ngờ hay người dân đi câu cá, đi lại trên một số hồ nước lớn ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh...
Theo các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Lâm Đồng, công việc của người lính cứu hoả, cứu nạn có đặc thù riêng, không quản ngày đêm, mưa nắng. Bất kể nơi đâu trên địa bàn phòng quản lý xảy ra tai nạn về hoả hoạn, lũ lụt, đồng đội của các anh tại các địa bàn lại tặng cường, phối hợp tham gia với các lực lượng khác xử lý sự cố.
Những ngày nghỉ, lễ, Tết..., CBCS lực lượng PCCC và CNCH phải luôn trong tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ. Họ nhận lệnh là lên đường, lao vào những nơi mà người khác đang chạy ra để bảo toàn mạng sống, chiến đấu với "giặc lửa, giặc nước” giành lại tài sản và tính mạng cho nhân dân.
Những người lính chia sẻ: nghề PCCC và CNCH là một nghề nguy hiểm và nặng nhọc, điều quan trọng phải có lòng dũng cảm và yêu nghề; bởi kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, song nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với hiểm nguy.
Những người lính cứu hỏa chiến đấu trên "mặt trận không tiếng súng", nhưng không đồng nghĩa với việc không có sự hy sinh, mất mát. Biết bao tấm gương đã ngã xuống khi "giành lại cái còn trong cái mất", trở thành những tấm gương quả cảm trong lòng đồng đội và nhân dân.
Xem thêm: lmth.940121_cum-naogn-nan-uuc-aoh-uuc-ahp-gnuhn-gnod-mal/gnas-gnoug/nv.moc.nagnoc