Nội dung này được nêu tại Chỉ thị của Thủ tướng về phục hồi sản xuất kinh doanh ở các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa được Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa lệnh ký ngày 3/10. Các phương án này phải đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
UBND các tỉnh, thành phố lập tổ công tác phục hồi sản xuất để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm vừa duy trì sản xuất, vừa an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lao động tại các doanh nghiệp cần được địa phương ưu tiên tiêm vaccine; một số dịch vụ cần thiết có thể xem xét cho mở lại, phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương cần được lên phương án thống nhất để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
"Các tỉnh, thành cần tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp", chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Bộ Y tế cũng được yêu cầu sớm ban hành quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và điều kiện, cách thức xử lý khi phát hiện người lao động trong khu, cụm công nghiệp nhiễm Covid-19; biện pháp cách ly người tiếp xúc gần nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài phân bổ nhanh vaccine cho các địa phương, Bộ Y tế phải hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để họ chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.
Để tránh ách tắc lưu thông hàng hoá khi doanh nghiệp ở các địa phương khôi phục sản xuất, Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn bảo đảm lưu thông. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về lưu thông, vận tải hàng hóa, Bộ xử lý nghiêm theo quy định.
Chỉ thị cũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Cơ quan liên quan hướng dẫn quy định về miễn giảm thuế, cơ chế hỗ trợ lãi suất, tín dụng cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết 105.
Thời gian qua, giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương, nhất là khu vực phía Nam đã khiến sản xuất đình trệ. Đến nay, dịch bệnh dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, các khu công nghiệp, nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lực lượng lao động phục vụ sản xuất.
Hiện nhiều địa phương phía Nam đã công bố kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu khôi phục lại sản xuất, kinh doanh trong trạng thái mới sau thời gian dài giãn cách xã hội. Nhiều biện pháp khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn với điều kiện dịch bệnh được các địa phương đưa ra. Ngoài TP HCM được thực hiện mở cửa trong điều kiện đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.
Anh Minh