Nhiều nhà đầu tư chứng khoán Mỹ rất sợ tháng 10 vì đây là khoảng thời gian nổ ra nhiều đợt lao dốc nổi tiếng trong lịch sử như đợt hoảng loạn ngành ngân hàng năm 1907, Đại Khủng hoảng 1929, Ngày thứ Hai đen tối 19/10/1987.
Tuy vậy, tháng 10 nhìn chung vẫn là giai đoạn khá thuận lợi với cổ phiếu. Theo số liệu của Stock Trader's Almanac, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 0,8% trong các tháng 10 trước đây. Với tháng 11 và 12, chỉ số này đi lên bình quân 1,6% và 1,5%.
Bất chấp những lo ngại về việc ngân hàng trung ương giảm bơm tiền, những bất ổn xoay quanh trần nợ công của Mỹ, quả bom nợ Evergrande có nguy cơ phá sản hay COVID-19 tái bùng phát, nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ lập các đỉnh mới.
CNBC trích dẫn thống kê của công ty nghiên cứu CFRA cho biết trong các năm từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, S&P 500 có xác suất tăng trong quý IV là khoảng 80% và mức tăng trung bình là 3,9%, mạnh nhất trong năm. Quý I đứng tiếp sau với tăng bình quân 2,3%. Quý III tụt lại sau cùng khi chỉ tăng 0,6%.
Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA nhận định: "Quý IV/2021 nhiều khả năng sẽ mang lại tỷ suất lợi nhuận trên mức trung bình. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ cần bám trụ chắc trong tháng 10 vốn có nhiều biến cố. Thống kê của chúng tôi cho thấy mức độ biến động giá của tháng 10 cao hơn 36% so với trung bình 11 tháng còn lại".
Trong quý III vừa qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng nhẹ. Tuy nhiên nếu xét riêng tháng 9, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều sụt khoảng 5%.
Phiên đầu tháng 10, thị trường khởi sắc sau khi có tin hãng dược Merck đang phát triển loại thuốc điều trị COVID-19 đầy hứa hẹn, Dow Jones kết phiên tăng 482,5 điểm.
Một trong những chướng ngại vật đầu tiên đối với thị trường trong tháng 10 là báo cáo việc làm công bố ngày thứ Sáu tuần tới (8/10).
Các nhà kinh tế mà FactSet khảo sát kỳ vọng nền kinh tế Mỹ tạo ra 475.000 việc làm trong tháng 9. Hồi tháng 8, Mỹ có thêm 235.000 việc làm mới, thấp hơn nhiều so với dự báo 500.000 việc làm mà các chuyên gia công bố trước đó.
Hai nhân tố quan trọng nhất tác động tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là lạm phát và thất nghiệp. Ngày 1/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi tháng 8 (Core PCE) tăng 3,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng lớn nhất trong vòng hơn 30 năm trở lại đây, đồng thời cao hơn con số 3,5% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo.
Số liệu việc làm trong tuần tới nhiều khả năng sẽ là thông tin đầu vào cuối cùng trước khi Fed ra quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu quy mô 120 tỷ USD hiện nay (tapering).
Nếu lạm phát cao đi kèm với số việc làm mới tăng mạnh, Fed sẽ có lý do thuyết phục để giảm kích thích tiền tệ.
Ông Ethan Harris, Giám đốc nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America nhận định: "Tôi nghĩ kịch bản duy nhất để Fed hoãn tapering là số việc làm tạo mới trong tháng 9 cực kỳ thấp, gần bằng 0. Nếu con số công bố là 100.000 hoặc 200.000 thì Fed vẫn sẽ giảm bơm tiền như thường".
Ông Harris cho rằng mối lo ngại lớn nhất với nền kinh tế lúc này vẫn là dịch COVID-19, tuy số ca nhiễm mới đã giảm dần trong những ngày gần đây.
"Câu hỏi lớn lúc này là liệu đến lúc nào câu chuyện COVID sẽ dần phai mờ, nhường chỗ cho hoạt động kinh doanh trở lại", ông Harris nói, đồng thời dự báo rằng vấn đề dịch bệnh sẽ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong báo cáo việc làm tháng 9 sắp công bố.
"Chúng tôi cho rằng tâm lý lo ngại bị lây bệnh khi đi làm là một nhân tố lớn tác động tới thị trường lao động tháng 8 và tiếp tục ảnh hưởng đáng kể trong tháng 9. Sang đến tháng 10, có vẻ người lao động đã bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn và tốc độ tăng trưởng việc làm có khả năng sẽ tăng tốc".
Hiện nay Mỹ có thừa vắc xin COVID-19 để tiêm chủng miễn phí cho tất cả dân số, tuy nhiên nhiều người từ chối tiêm vì sợ các phản ứng phụ. Nếu loại thuốc điều trị của Merck được cấp phép, nền kinh tế sẽ có thêm trợ lực để tăng tốc quá trình mở cửa.
Xem thêm: mth.27771333230011202-gnas-iout-vi-yuq-oav-gnov-yk-ym-naohk-gnuhc-tab-teb-9-gnaht-uas/nv.zibmanteiv